Ngày 2/9/1977, trước nhu cầu thành lập một tổ chức hợp tác của nghị viện các nước thành viên ASEAN hướng tới mục tiêu chung của khu vực về hòa bình, ổn định và thịnh vượng, Nghị viện 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã tuyên bố thành lập Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO), đánh dấu sự ra đời của diễn đàn nghị viện khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN.
Số lượng thành viên của AIPO đã tăng lên cùng với số lượng thành viên của ASEAN. Trong giai đoạn từ những năm 90 đến đầu năm 2000, Quốc hội/Nghị viện của Việt Nam, Campuchia, Lào, Brunei Darussalam và Myanmar đã lần lượt tham gia vào tổ chức AIPA. Năm 2007, nghị viện các nước thành viên đã thống nhất chuyển đổi AIPO thành AIPA với tính chất là một tổ chức liên nghị viện khu vực ASEAN chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đại hội đồng lần thứ 33 tổ chức tại Lombok, Indonesia năm 2012 đã đánh dấu AIPA trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện của các nước ASEAN khi Quốc hội/Nghị viện của 10 quốc gia thành viên ASEAN đều trở thành thành viên chính thức của AIPA.
Sau 44 năm, AIPA thực sự trở thành diễn đàn cởi mở và hiệu quả để nghị viện, nghị sỹ các nước ASEAN bày tỏ quan điểm, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm. |
Sau 44 năm thành lập và phát triển, AIPA ngày nay đã thực sự trở thành diễn đàn cởi mở và hiệu quả để nghị viện, nghị sỹ các nước trong khu vực bày tỏ quan điểm, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm.
Sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy ngày càng được tăng cường đã góp phần tạo tiền đề vững chắc cho hợp tác khu vực. AIPA đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng được các nước ASEAN cùng quan tâm, từ đó xây dựng lòng tin và đóng góp quan trọng vào việc tạo lập môi trường hòa bình cho tiến trình hợp tác, phát triển về mọi mặt giữa các nước trong khu vực. Phạm vi các vấn đề được AIPA thúc đẩy rất đa dạng, từ tăng cường hội nhập ASEAN, toàn cầu hóa, tác động của các quá trình này đối với ASEAN đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực.
Cùng với ASEAN, AIPA chủ động đề ra nhiều biện pháp thúc đẩy việc thực thi các cam kết, thỏa thuận về xây dựng Cộng đồng ASEAN; hỗ trợ Chính phủ các nước thực thi các quyết định của ASEAN thông qua việc xây dựng thể chế và nâng cao năng lực của các nghị viện thành viên.
Với vai trò là tổ chức hợp tác của các cơ quan đại diện cho người dân trong khu vực, AIPA dành sự quan tâm và chú trọng thúc đẩy hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Khuyến khích việc giữ gìn bản sắc văn hóa ASEAN trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc trong khu vực. Đẩy mạnh hợp tác vì những lợi ích chung nhưng vẫn tôn trọng bản sắc riêng của mỗi nước là quan điểm xuyên suốt trong các nghị quyết và trong các hoạt động của AIPA.
Là tổ chức hợp tác liên nghị viện của các quốc gia nằm ở khu vực có vị trí chiến lược trên sườn Đông Nam châu Á và ngay trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, AIPA đặc biệt coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài ASEAN. Từ năm 1979, AIPO đã thiết lập cơ chế đối thoại với các nghị viện Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện nay, AIPA đã thiết lập cơ chế đối thoại thường niên với 12 Nghị viện thành viên Quan sát viên từ Australia, Belarus, Canada, Trung Quốc, Nghị viện châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Papua New Guinea, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Đông Timor.
Phát huy tinh thần "thống nhất trong đa dạng", AIPA trân trọng tình đoàn kết, sự bình đẳng, phối hợp hành động trên các diễn đàn quốc tế bảo vệ chủ quyền, độc lập quốc gia và lợi ích chung của khu vực. Chính điều này đã giúp AIPA vừa giữ được tính độc lập và bản sắc trong tiến trình hội nhập, vừa tránh được sức ép từ các nước lớn. Với vai trò, vị thế không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, ngày càng có nhiều nghị viện mong muốn trở thành Quan sát viên của AIPA. Đại hội đồng AIPA 41 đã nhận được hồ sơ của Nghị viện 4 nước xin trở thành Nghị viện quan sát viên của AIPA là: Na Uy, Ma-rốc, Pakistan và Gruzia.
Vũ Lụa