Cảnh giác với hành vi rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng
Cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng gia tăng, gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Đây là cuộc chiến thực sự và đòi hỏi Việt Nam cần liên tục cập nhật, nhận diện và hoàn thiện các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn kịp thời và hiệu quả các hành vi này, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Mới đây, tọa đàm với chủ đề “Rủi ro tội phạm tài chính/ rửa tiền mà các TCTD đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai” trong khuôn khổ kế hoạch do Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề ra trong năm 2023 được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức về rủi ro rửa tiền, hiểu biết về các quy định pháp luật mới về phòng, chống rửa tiền (PCRT), chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tiễn trong quản trị rủi ro rửa tiền/tội phạm tài chính.
Ở Việt Nam, vụ án rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng đầu tiên đã được đưa ra xét xử. Tại phiên xử sơ thẩm (tháng 02/2017), Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Giang Văn Hiển 12 năm tù vì tội “Rửa tiền” do mở 22 tài khoản ngoại tệ nhận và rút tiền “hoa hồng” giúp con trai là Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) tham ô số tiền hơn 259,5 tỉ đồng, dùng tiền đó mua 40 bất động sản trong nước và nước ngoài và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên mình và người thân trong gia đình…
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là khó tránh khỏi, thậm chí là một quốc gia có nguy cơ khá cao, do nền kinh tế đang phát triển đi đôi với quy mô sử dụng tiền mặt; cơ chế phòng, chống rửa tiền còn những hạn chế, đặc biệt đối với các biện pháp phạt tiền và thu hồi tài sản phạm tội…
Hơn nữa, trong bối cảnh thể chế chưa hoàn thiện và nền kinh tế vẫn còn giao dịch tiền mặt như ở nước ta, tham nhũng và tài trợ khủng bố dưới hình thức nhận tiền và gắn với rửa tiền cũng có nhiều cơ hội ẩn náu và hoành hành.
Thế giới mất khoảng 1.000 tỉ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng
Tài trợ khủng bố là hành vi tiếp tay, cung cấp các nguồn lực tài chính và vật chất, trực tiếp dung dưỡng, khuyến khích các hoạt động khủng bố của cá nhân và tập thể, gây nguy hại trực tiếp tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Rửa tiền là công cụ đồng hành và cộng sinh với tội phạm tham nhũng, giúp tham nhũng ẩn mình, né tránh pháp luật và thụ hưởng “thành quả” tài sản có được từ tham nhũng. “Tiền bẩn” do tham nhũng thường được dùng để mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp hoặc chuyển trái phép ra nước ngoài qua những kênh bí mật và công khai. Rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế - tài chính quốc gia, mà còn dung dưỡng tình trạng tham nhũng, đe dọa sự lành mạnh chính trị và an ninh quốc gia do khép kín vòng tròn lợi nhuận phi pháp.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm, thế giới mất khoảng 1.000 tỉ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng. Hơn nữa, mỗi năm tội phạm tiến hành rửa tiền thành công từ 1.000 - 1.500 tỉ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu; riêng ở Anh cũng có tới hàng trăm tỉ USD được giới tội phạm quốc tế chuyển vào để tẩy rửa và tiêu xài. Tội phạm tham nhũng ở Trung Quốc rửa tiền và chuyển trái phép ra nước ngoài hàng trăm tỉ USD có nguồn gốc tham nhũng. Do đó, chống rửa tiền trở thành mặt trận ngày càng nóng bỏng và cũng là công cụ hiệu quả để chống tham nhũng trên cả phạm vi cầu và mỗi quốc gia.