Google “đẩy thuyền” hàng Việt ra thế giới qua sàn Amazon

“Google Singapore có phòng gym cho nhân viên, tôi thường tới đó sau giờ làm. Một hôm bắt gặp thương hiệu Yes4All, có vẻ lạ, tôi về nhà tìm hiểu thêm thì hóa ra đây là một thương hiệu của Việt Nam.

Sau này tới các văn phòng khác của Google trên toàn cầu cũng thấy thương hiệu đó hiện diện trong phòng gym, tôi tự hỏi: Vì sao 1 doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được như vậy? Kết nối với Yes4All, tôi tìm ra câu trả lời: Doanh nghiệp này đã xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon nhiều năm nay”, ông Brandon Thanh Đỗ, Giám đốc Phát triển khách hàng mới khu vực Đông Nam Á – Úc và New Zealand của Google kể.

Ong Brandon Google.jpg
Ông Brandon Thanh Đỗ, Giám đốc Phát triển khách hàng mới khu vực Đông Nam Á – Úc và New Zealand của Google chia sẻ thông tin tại “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp tổ chức mới đây ở Hà Nội. (Ảnh: Bình Minh)

Làm việc với Yes4All, ông Brandon nhận ra khó khăn của doanh nghiệp Việt sau khi xuất khẩu trực tuyến thành công: Sự hạn chế nguồn lực đầu tư mở rộng thị trường quốc tế.

“Chúng tôi đề xuất với Amazon và Yes4All về việc Google có thể hỗ trợ thêm về nền tảng, kho hàng, logistics..., thậm chí cả thanh toán. Thực tế trên Google Search, YouTube và các nền tảng khác của Google, rất nhiều người dùng có nhu cầu mua sản phẩm trên sàn Amazon. Chúng tôi đã làm việc với nhóm marketing của Yes4All để giải “bài toán” dẫn người dùng Google, YouTube vào gian hàng của Yes4Alll trên Amazon, qua đó giúp Yes4Alll không phải tạo thêm trang web mới, không phải tự vận hành kênh thanh toán hoặc nhà kho mới, mà vẫn tiếp cận thêm nhiều khách hàng”, ông Brandon hào hứng chia sẻ câu chuyện nhiều bên cùng phối hợp giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận tốt hơn thị trường quốc tế.

Yes4All là nhà sản xuất đa dạng sản phẩm xuất khẩu gồm thiết bị tập thể dục tại nhà, đồ nội thất, hàng hóa liên quan đến thú cưng… Trong vòng 1 tuần kể từ khi nhóm của ông Brandon tham gia thử nghiệm 5 mã hàng Yes4Alll đầu tiên, lưu lượng truy cập chất lượng cao từ Google Search đã thúc đẩy doanh số bán hàng của doanh nghiệp này trên Amazon tăng rõ rệt, đạt mức tăng trưởng ROAS (lợi tức thu được trong chiến dịch quảng cáo) 340%. "Thừa thắng tiến lên", nhóm marketing Yes4All nhanh chóng triển khai chiến lược Google Search với 100% mã hàng thể thao, qua đó cải thiện hiệu quả tiếp thị và gia tăng độ phủ thương hiệu Việt.

Theo Giám đốc Phát triển khách hàng mới khu vực Đông Nam Á – Úc và New Zealand của Google, những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt như Yes4Alll đang có rất nhiều cơ hội xuất khẩu trực tuyến. Với sự phát triển của công nghệ mới, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường đa quốc gia, khách hàng quốc tế một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn qua các kênh online, không nhất thiết phải trực tiếp đi hội chợ quốc tế như mấy chục năm trước.

Người tiêu dùng quốc tế cũng cởi mở hơn với sản phẩm nhập khẩu. “Cách đây khoảng 5 năm, nhiều người Úc không mấy hào hứng khi nhìn thấy sản phẩm nhập khẩu, kể cả hàng “Made in USA”, vì họ muốn mua hàng nội địa hơn. Song những năm gần đây, tư duy mua sắm hàng hóa quốc tế của họ đã thay đổi, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ “Made in Vietnam” cũng được họ quan tâm, đánh giá chất lượng cao”, ông Brandon minh họa.

Để “trăm trận trăm thắng” khi ra thị trường ngoại, đại diện Google lưu ý doanh nghiệp Việt phải “biết người biết ta”. Trước hết, phải biết thị trường tiềm năng mình nhắm đến có nhu cầu về sản phẩm thế nào, những đối thủ nào đang cạnh tranh trong lĩnh vực này… Kế tiếp, phải biết chọn kênh bán hàng hiệu quả: website của mình hay sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hay kênh nào khác. Và cuối cùng, khi mang sang thị trường quốc tế, sản phẩm phải phù hợp với người dùng quốc tế.

“Tại mỗi nước sẽ có một số điểm khác biệt về chăm sóc khách hàng, thanh toán… Chẳng hạn người tiêu dùng tại thị trường Úc rất coi trọng quyền riêng tư, ít khi gọi tổng đài chăm sóc khách hàng, khi có vấn đề họ chỉ muốn lên website, điền vào mẫu, sau đó tổng đài sẽ gọi lại để chăm sóc họ. Hiểu được những điểm khác biệt của từng thị trường thì doanh nghiệp Việt sẽ thành công”, ông Brandon lưu ý.

Thời gian qua, Google đã triển khai nhiều công cụ miễn phí hữu ích cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng Việt. Có thể kể tới: Google Trend giúp xác định thị trường tiềm năng; Market Finder giúp tìm kiếm những thị trường đang có nhu cầu với sản phẩm doanh nghiệp bán trên website, đưa ra chỉ dẫn để tiếp cận khách hàng tại thị trường đó tốt nhất…

“Gần đây, chúng tôi đang triển khai chương trình hỗ trợ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” trong 6 tháng đầu, giúp doanh nghiệp Việt đưa ra chiến lược xuất khẩu tốt nhất. Các doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, hoặc đang xuất khẩu qua website riêng, thậm chí chưa biết xuất khẩu theo hướng nào cũng đều có thể tham gia chương trình này”, đại diện Google chia sẻ thông tin khá hấp dẫn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tìm kiếm thêm cơ hội tăng trưởng doanh thu và mở rộng thị trường.

Anh avatar.jpg
Giai đoạn 2020 – 2025, tốc độ phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. (Ảnh minh họa: Internet)

Tiềm năng trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam

Doanh nghiệp Việt đang ở vị thế rất thuận lợi trong “cuộc chơi” thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu khi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong Top 10 quốc gia của bảng xếp hạng tăng trưởng doanh số bán lẻ thương mại điện tử năm 2022 do eMarketer công bố (Brazil 22,2%, Indonesia 23%, Ấn Độ 25,5%, Philippines 25,9%, Việt Nam 19%).

Cách đây ít lâu, Access Partnership đưa ra kịch bản phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam với con số đáng mừng: Dự kiến tới năm 2027, sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) tăng gấp 2,4 lần so với “quỹ đạo kinh doanh theo thông lệ”, đạt khoảng 12 tỷ USD (296,3 nghìn tỷ đồng), thúc đẩy thặng dư thương mại và xuất siêu cho Việt Nam.

Còn theo dự báo của AlphaBeta, tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2026 lên tới 20%; đến năm 2026 sẽ đạt giá trị khoảng 10 tỷ USD (256,1 nghìn tỷ đồng). 

“Con số 10 tỷ USD này có ý nghĩa rất lớn. Khi đó, thương mại điện tử bán lẻ - B2C xuyên biên giới sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong Top 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu nghìn tỷ đồng”, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh.

Hệ thống dữ liệu của Amazon cũng ghi nhận nhiều số liệu tích cực: Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua. Riêng năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm Việt Nam đã được bán ra trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022.

“Amazon hoạt động tại 23 thị trường, có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu thông qua việc bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới. Chúng tôi có hơn 200 triệu khách hàng – tín đồ mua sắm rất trung thành, gần 2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn cầu đang bán hàng trên Amazon, hơn 61% đơn vị hàng hóa đang bán trên Amazon toàn cầu đến từ doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Toàn thông tin thêm về những cơ hội lớn đang chờ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Ong Toan Amazon 2.jpg
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam. (Ảnh: Bình Minh)

Ở mô hình kinh doanh truyền thống, để đưa được sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thị trường thế giới, phải qua nhiều khâu trung gian như nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ, cuối cùng mới đến tay người tiêu dùng trên toàn cầu. 

Trong mô hình này, các nhà sản xuất Việt Nam chỉ tham gia được “mắt xích” đầu tiên, đó là cung ứng hàng hóa mình sản xuất ra. Đây là "mắt xích" thấp nhất trong chuỗi giá trị cung cấp đến tay người tiêu dùng. Ở “mắt xích” thấp nhất, lợi nhuận thu được trong chuỗi cung ứng không cao. 

Khi việc kiểm soát vận chuyển, phân phối, thương hiệu thuộc về các nhà phân phối, bán lẻ trên toàn cầu, thì hàng hóa doanh nghiệp Việt sản xuất ra không hẳn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt không thể nhận được sự phản hồi một cách nhanh chóng, chính xác từ khách hàng, qua đó không có cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng hàng hóa.

Sự ra đời của Internet, công nghệ và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp xoay chuyển tình thế: Các nhà sản xuất, chủ thương hiệu Việt có thể đưa hàng hóa “Made in Vietnam” đến tay người tiêu dùng ở nước ngoài, bỏ qua nhiều khâu trung gian. 

4 năm đồng hành hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam thành công với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sàn Amazon, ông Toàn khuyến nghị doanh nghiệp Việt: Nên tham gia ngay và luôn “cuộc chơi” thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong 2 – 3 năm tới, nếu không tham gia thì sẽ trở nên lạc hậu, chậm chân.

Giám đốc Khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh 3 lợi ích lớn mà mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Kiểm soát được dòng hàng hóa để có thể phản hồi nhanh chóng từ thị trường mục tiêu, từ khách hàng để nâng cao mức độ cạnh tranh; Quản trị dòng tiền tốt hơn, luồng tiền sẽ quay về nhanh chóng hơn để tiếp tục tái sản xuất và thương mại; Có thể xây dựng được thương hiệu toàn cầu – tài sản rất quan trọng với doanh nghiệp.

 “Chúng tôi có nền tảng online Seller University bao gồm cả tài liệu bằng tiếng Việt đúc kết câu chuyện thành công và cả những thách thức khi bán hàng trên Amazon. Chúng tôi cũng có cả những chương trình kết hợp với các đối tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt, ví dụ như phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương triển khai chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới – Kỷ nguyên bứt phá”, hướng tới mục tiêu trong vòng 5 năm có thể đào tạo hơn 10.000 nhân lực trong doanh nghiệp Việt về thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Toàn cho hay.

Theo eMarketer & Zion Market Reseach, giai đoạn 2020 – 2025, tốc độ phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. Dự báo từ 2020 - 2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới toàn cầu hàng năm sẽ đạt 28,4%. 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng Tư vấn cấp cao - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: 

Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu trực tuyến gấp 4 lần tốc độ trung bình chung của lĩnh vực xuất khẩu. Rất mong Bộ Công Thương và các ban, ngành liên quan quan tâm hơn tới lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến – “đứa con” sinh sau nhưng lớn nhanh quá, cần chăm chút cẩn thận để không bị ngã trên đường đi.

Bà Anna Trần, đại diện Pingpong:

Sau khi bán được hàng ra nước ngoài trên nền tảng trực tuyến, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp khó khăn trong khâu thanh toán: Làm sao mang ngoại tệ về Việt Nam thuận tiện nhất; Làm sao có thể chuyển đổi các loại ngoại tệ với nhau một cách nhanh nhất với tỷ giá tốt nhất trong bối cảnh biến động tỷ giá theo từng giờ từng phút; Làm thế nào để có thể dùng khoản doanh thu từ xuất khẩu trực tuyến đó để thanh toán tiếp cho các đối tác, nhà cung cấp ở nước ngoài…

Chúng tôi có thể giúp các nhà bán hàng xuyên biên giới tháo gỡ các rào cản về mặt thanh toán. Đơn cử, các nhà bán hàng có thể nhận tiền doanh thu từ nước ngoài đa ngoại tệ về cùng 1 tài khoản Pingpong.