Đứa trẻ kém may mắn
Căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Lê Thị Oanh (SN 1996) và anh Đinh Xuân Quảng (SN 1996) ở Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khác.
Người mẹ trẻ đang dỗ dành con trai, đứa trẻ 2 tuổi đưa đôi mắt nhìn mẹ một cách vô thức. ‘Con em mắc hội chứng down’, chị giải thích. ‘Cháu không thể đi lại, nói cười bình thường như những đứa trẻ khác’.
Oanh lấy chồng năm 2017 bằng một đám cưới giản dị. Sau khi kết hôn, cặp vợ chồng trẻ hạnh phúc đón đứa con đầu lòng.
Chị Oanh và con trai, Đinh Xuân Khải |
Tuy nhiên đứa trẻ có những dấu hiệu không bình thường… Sau khi khám, họ như chết lặng khi hay tin con bị hội chứng down.
Từ khi phát hiện con trai bị bệnh, vợ chồng Oanh chạy vạy khắp nơi để tìm cách điều trị cho con.
‘Em thường xuyên đưa con xuống Hà Nội khám, lấy thuốc và cho cháu tập chức năng. Mỗi tháng em xuống Hà Nội khoảng 2 lần, mỗi lần mất khoảng 2 - 3 triệu chi phí khám và mua thuốc. Ngoài ra, chi phí tập chức năng cho cháu là 300 nghìn/ngày, mỗi đợt 15 ngày’.
Căn nhà của vợ chồng chị Oanh, bên phải là nhà của gia đình chồng |
Vừa tập cho con vừa nghe người ta mách đi lấy thuốc nam, Oanh và chồng lặn lội khắp nơi mua nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.
‘Thời gian đưa con xuống Hà Nội khám, có người khuyên em đến một bệnh viện tư ở Hà Nội để con được cấy ghép tế bào gốc. Mỗi lần 200 triệu và phải 2-3 lần, con em sẽ có cơ hội phát triển như những đứa trẻ như bình thường. Nhưng gia đình em không đủ điều kiện’.
Trước đây, vợ chồng họ làm công nhân cho một công ty điện tử. Từ ngày con mắc bệnh, Oanh nghỉ hẳn công việc và ở nhà chăm con. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương của người chồng.
Muốn có tiền cho con chữa bệnh, chăm lo cho gia đình, hai vợ chồng vay mượn số tiền hơn 100 triệu đồng cho anh Đinh Quang Khải đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên anh Khải đi mới được 13 ngày thì tai nạn xảy ra.
Vụ tai nạn của người cha
Một ngày đầu tháng 11/2018, anh Đinh Quang Khải đang làm việc trong nhà máy tại Đài Loan (Trung Quốc) thì bất ngờ bị máy dập, máy mài hàn xì nghiến vào bàn tay.
‘1 tiếng đồng hồ sau tai nạn, chồng em mới được đưa đi bệnh viện. Di chuyển từ nhà máy đến bệnh viện mất 1 tiếng nữa. Tại bệnh viện, bác sĩ phải tháo khớp tay anh ấy ra. Không còn hi vọng gì một bàn tay lành lặn như trước…’, giọng Oanh nghẹn lại bởi những giọt nước mắt.
Ngay thời điểm đó, một công nhân làm việc cùng anh Quảng (quê ở Quảng Bình) báo tin về cho gia đình để tìm người thân đang lao động ở Đài Loan chăm sóc cho Quảng.
Anh Đinh Xuân Quảng sau tai nạn |
Không có ai nghe máy, người bạn này đăng lên facebook tìm người nhà của Quảng. Tối cùng ngày, các dì của anh (đang làm việc tại Đài Loan) mới biết tin và xuống chăm sóc cháu.
Từ hôm bị tai nạn, những cuộc điện thoại của họ chỉ toàn nước mắt. ‘Bây giờ tâm lý anh cũng ổn định hơn. Lúc mới bị, anh ấy sốc, không dám nhìn mặt vợ con. Trong điện thoại gọi về cho vợ con, anh ấy chỉ biết khóc.
Anh ấy nghĩ con ở nhà bị bệnh như thế, mình sang lại gặp tai nạn, trở thành gánh nặng cho gia đình’, Oanh nói khi nước mắt vẫn chảy dài.
Từ tháng 11/2018 đến nay, Quảng đã được ra viện về tĩnh dưỡng tại kí túc xá của công ty. Các chi phí chữa trị của anh đang được công ty chi trả. Tuy nhiên anh không thể tiếp tục làm việc. Tháng 5 tới đây, anh có thể sẽ phải về nước.
‘Công ty môi giới đang xin chủ để anh ấy ở lại làm việc tuy nhiên đây là điều khó có thể xảy ra.
Hiện hai vợ chồng em đang nợ số tiền lo cho chồng đi XKLĐ (hơn 100 triệu đồng) và một khoản nợ trước đó để chữa trị cho con trai (100 triệu đồng)’, người mẹ trẻ sinh năm 1996 nói.
Chị Oanh và ông nội của chồng |
Căn nhà cấp 4 nơi Oanh và Quảng sinh sống không có gì đáng giá. Đây là nhà của ông bà nội anh Quảng. Cạnh đó, là một căn nhà khá khang trang của bố mẹ chồng.
‘Bố mẹ chồng em xây được bằng tiền gom góp sau nhiều năm đi làm phụ hồ và vay mượn. Khi bà nội chồng bị tai biến, vợ chồng em chuyển sang nhà này (căn nhà cấp 4) để chăm ông bà.
Ông bà cũng là hộ nghèo của xã Yên Lư. Kinh tế chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Sau một thời gian đau ốm, bà nội chồng cũng qua đời. Anh Quảng đi XKLĐ, em và con ở đây cùng ông nội chồng…’, Oanh nói thêm.
‘Hôm nay, Quảng vừa gọi điện thông báo khám xong. Bác sĩ nói cháu không phải khám lại nữa. Sau này, Quảng phải ghép tay giả. Cứ tưởng cháu đi thuận buồm xuôi gió nhưng nào ngờ…’, ông nội Quảng nghẹn ngào.
Khi hỏi về kế hoạch tương lai, chị Oanh nói: ‘Mẹ con em chờ ngày anh ấy về. Sau đó, có thể anh ấy trông con cho em đi làm. Nếu không đi làm, chúng em chẳng biết trông chờ vào đâu…’.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lư cho biết: ‘Anh Đinh Xuân Quảng (SN 1996) vừa đi XKLĐ ở Đài Loan thì gặp tai nạn. Con trai của Quảng cũng mắc hội chứng Down. Đây là gia đình có hoàn cảnh khá khó khăn của xã Yên Lư’.
Osin Việt xứ người: Gia đình chủ yêu quý, 5 năm không muốn về nước
Ngày còn ở nhà, chị Hà ngày ăn 3 bữa cơm. Đi xuất khẩu lao động, 3 giờ chiều chị mới được ăn bữa trưa, bụng lúc nào cũng kêu ‘xèo xèo’.
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo