Nhà hàng cà phê sụt giảm

Theo kết quả khảo sát thường niên của Sapo, 2020 là một năm khó khăn đối với những nhà bán hàng, đặc biệt trong các ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng. Số liệu thống kê trên 10.000 nhà bán hàng tham gia khảo sát cho thấy, 70% nhà bán hàng cho biết doanh thu bị giảm sút hoặc không tăng trưởng so với năm 2019.

69% cửa hàng bán lẻ trực tiếp, 76% nhà hàng, quán cafe và 59% cửa hàng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) bị giảm doanh thu hoặc chỉ duy trì doanh thu ở mức tương đương năm 2019. Nguyên nhân của sự sụt giảm được cho là do tác động mạnh của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ gây ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

{keywords}
Báo cáo kết quả kinh doanh 2019 (Nguồn: Sapo)

Trong khó khăn vẫn có những người bán hàng thành công. 30,6% nhà bán hàng cho biết họ có sự tăng trưởng doanh thu so với năm 2019. Đặc điểm chung của nhóm này là nhanh chóng chuyển đổi mô hình sang bán hàng đa kênh để thích ứng với biến động thị trường.

Số lượng cửa hàng tạp hóa, siêu thị có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2019, hiện đứng thứ 3 trong top 10 ngành kinh doanh phổ biến nhất năm 2020.

Điện tử - Điện máy là nhóm ngành có doanh thu trung bình năm cao nhất. Thực phẩm - Y tế dù không nằm trong top ngành kinh doanh phổ biến nhưng doanh thu trung bình năm tăng trưởng hơn 30% so với năm trước.

Theo chia sẻ của các nhà bán hàng, 2020 là năm mà người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn về sức khỏe, chăm sóc cá nhân, vì vậy mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng, vật dụng y tế hay sản phẩm điện tử bảo vệ sức khoẻ có sự tăng trưởng mạnh.

70% chủ cửa hàng tin tưởng tình hình kinh doanh năm 2021 sẽ phục hồi và tăng trưởng. Trong khi 6% chủ shop bi quan về tình hình thị trường, cho rằng nền kinh tế chưa phục hồi hậu đại dịch, chịu tác động xấu của kinh tế thế giới; thì 70% chủ shop tin tưởng và kỳ vọng lớn vào khả năng phát triển của năm 2021.

Chuyển đổi số

Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Tăng trưởng Công ty cổ phần công nghệ Sapo, đánh giá, so với 2018 và 2019, điểm khác biệt lớn nhất của năm 2020 nằm ở kênh bán hàng. Nhằm vượt qua biến động lớn của thị trường, nhiều nhà bán hàng chọn giải pháp bắt đầu bán hàng online hoặc đẩy mạnh kinh doanh trên các trang TMĐT.

Gần 24% nhà bán lẻ chuyển đổi hoàn toàn từ bán hàng truyền thống sang bán hàng online, nhờ vậy 56% trong số họ đã hồi phục kinh doanh, đạt hoặc vượt mức doanh thu của thời điểm trước khi diễn ra Covid-19.

Theo số liệu 2019, kênh bán hàng trên sàn TMĐT chỉ xếp vị trí thứ 4 trong danh sách các kênh bán hiệu quả. Năm 2020, kênh này vươn lên chiếm vị trí số 1 mà trước đó vị trí này là của Facebook.

{keywords}
Các mô hình kinh doanh (Nguồn: Sapo)

Tuy vậy, quảng cáo Facebook vẫn là hình thức được đầu tư nhiều chi phí nhất mặc dù nhiều chủ cửa hàng bị khóa tài khoản hoặc không sử dụng được mẫu quảng cáo mới; xếp ngay sau đó là quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mới (Tiktok, Zalo) và quảng cáo trên sàn TMĐT.

Năm 2020, giãn cách xã hội đã thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm của người mua hàng, nhu cầu mua sắm từ xa bùng nổ khiến bán hàng online trở thành việc tất yếu. Trong bối cảnh đó, vai trò của vận chuyển trong năm 2020 cũng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết và trở thành yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà bán hàng.

Bên cạnh hai hình thức thanh toán quen thuộc là tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng, hình thức QR code phát triển mạnh mẽ, tăng từ top 6 (năm 2019) lên top 3 với 12,7% cửa hàng thường xuyên sử dụng.

Bà Dung nhận định, năm 2021, các nhà bán lẻ sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ sang bán hàng đa kênh, đẩy mạnh bán hàng online bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Không chỉ đầu tư cho kênh bán hàng, nhà bán lẻ cần tập trung phân bổ ngân sách marketing, tiếp thị, quảng cáo để đáp ứng được tiêu chí hiệu quả cao - chi phí phù hợp.

Biết tận dụng thế mạnh của từng kênh, kết hợp với công nghệ tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hiệu quả kinh doanh, các cửa hàng và doanh nghiệp sẽ có bước chạy đà vững chắc để tăng trưởng trong những năm sắp tới.

Bảo Anh