Cảm hứng tạo ra sản phẩm này của NTK Vũ Thảo (Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109) bắt nguồn từ kỹ thuật dệt sợi tơ, bông, gai hay kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong truyền thống của phụ nữ Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, H’Mông,… ở Mai Châu (Hòa Bình), Cao Bằng.

Không có con đường đi nào luôn bằng phẳng. Dù vậy, trải qua nhiều khó khăn, thử thách, hơn 10 năm qua, NTK Vũ Thảo đã mang những sản phẩm thời trang thủ công đến với cộng đồng, lan tỏa trong và ngoài nước. Chị tìm đến những người bạn có chung ý tưởng để kết hợp, giao lưu ý tưởng.

Nhà thiết kế Vũ Thảo. Ảnh: Benjamin Reich

Thiên - Thuỷ - Thổ: Những cuộc giao thoa diễn ra từ ngày 23-29/9 tại Văn miếu Quốc Tử Giám chính là ý tưởng lan tỏa sản phẩm thủ công truyền thống và nét đẹp văn hóa. Đây là sự hợp tác giữa 3 nhóm sáng tạo: Những người thợ thủ công người Mông Xanh của làng Pà Cò (Hòa Bình), các nghệ nhân làm nến của WAX Atelier (Vương quốc Anh) và NTK từ Kilomet 109. Một loạt tác phẩm và đồ vật được chế tác từ cây gai dầu, thuốc nhuộm tự nhiên, sáp ong và sáp thực vật… đã ra đời.

Theo NTK Vũ Thảo, “Thiên, Thủy, Thổ” dựa vào một câu chuyện về chất liệu, đại diện cho đất, nước và thiên đường. Thiên đường ở đây là môi trường tự nhiên mây phủ trắng mờ, nên thơ, xinh đẹp ở vùng nhiên liệu Pà Cò. 

“Dù sống trong môi trường khác nhau, cách xa về địa lý, tư duy, thói quen thực hành chế tác rất khác nhau nhưng chúng tôi có một số điểm chung về chất liệu như: sợi tự nhiên, thuốc nhuộm tự nhiên, gai dầu, sáp ong… Sau những buổi thực hành trao đổi, mỗi cộng đồng sáng tác đã thay đổi cách nhìn nhận về mỗi loại chất liệu địa phương và đưa ra những ý tưởng sản phẩm mới. Chuỗi sản phẩm Gầu Tào mà chúng tôi từng hợp tác trước đó bao gồm: túi đựng máy tính xách tay, hoa sáp, nến thơm, mùi hương... chính là một trong những ý tưởng đa dạng hoá sản phẩm địa phương”, chị Thảo chia sẻ. 

Đồng quan điểm, chị Thảo Nguyễn - Giám đốc UK/Viet Nam Season 2023, Hội đồng Anh, đơn vị đồng hành cho hay: “Sự khác biệt đến từ những cộng đồng khác nhau, các nền văn hóa khác nhau không chỉ là thách thức mà còn là lợi thế. Chúng ta học và tận dụng chính những sự khác biệt ấy để tạo nên những giá trị chung. Và những giá trị chung này lại đem những con người từ những vùng miền khác nhau, đất nước khác nhau xích lại gần nhau hơn”.

Kết nối tình đoàn kết 

Nói về việc vì sao lựa chọn phụ nữ là những người thợ thủ công để thực hiện ý tưởng, NTK Vũ Thảo cho biết đó hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên. Bởi sản phẩm hướng tới chỉ đa số những người phụ nữ mới có thể làm tốt, làm đẹp. 

Từng làm việc nhiều năm với những người thợ thủ công vùng cao, chị Thảo kể, họ rất chịu khó lắng nghe, học hỏi và luôn không ngừng sáng tạo. Đôi bàn tay khéo léo cộng với tính cần cù, tỉ mỉ chính là ưu điểm giúp những người thợ làm nên những sản phẩm đẹp, chất lượng. 

Theo chị, hiện nay ở một số vùng dân tộc thiểu số, các thợ thủ công trẻ hóa dần, không còn là những người già tham gia lao động như trước. Đó là tín hiệu đáng mừng bởi nghề thủ công truyền thống sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau, không bị mai một.  

Những sợi dây được tết lại với nhau thể hiện tinh thần đoàn kết tập thể

“Cộng đồng thợ thủ công Mông Xanh ở Pà Cò chỉ có 2-3 người ở độ tuổi 70, 1-2 người ở độ tuổi 50, còn lại là các bạn trẻ. Khi chúng tôi thực hiện các tác phẩm như bện dây, xé giấy, các em nhỏ cũng tham gia cùng. Các bé thấy dây nhiều màu sắc nên rất thích và học rất nhanh, làm tốt. Những hoạ tiết dây chúng tôi tạo ra cũng như những phương pháp chưa từng xuất hiện trước đó thực sự gây tò mò cho các bé”. 

Chị Lola, Giám đốc nghệ thuật, WAX Atelier (Vương quốc Anh)

Chị Lola, người đồng sáng lập, Giám đốc nghệ thuật, WAX Atelier (Vương quốc Anh) cho biết, đối tượng lao động truyền thống mà đơn vị của chị chọn cũng là những người phụ nữ.

“Chúng tôi tạo ra một nhóm từ 5 đến 15 phụ nữ từ cộng đồng địa phương, có độ tuổi từ 18 đến 55. Vì linh hoạt về thời gian làm việc nên dự án thu hút nhiều nhóm phụ nữ chuyên hoặc không chuyên trong lĩnh vực nghệ thuật, có thời gian và khả năng làm việc tìm đến. 

Mọi người từ những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đến những người trẻ không có trình độ học vấn đều có cơ hội làm việc với chúng tôi. Đó là công việc thủ công, làm bằng đôi tay nên họ có thể học hỏi lẫn nhau, tạo ra sự kết nối dễ dàng”.

Theo chị, dự án chính là nơi tạo điều kiện tốt, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dù là những người có tay nghề hay những người chưa từng qua đào tạo. 

“Chất liệu cơ bản chúng tôi dùng để tạo ra sản phẩm thủ công chính là những sợi dây. Về cơ bản, sản phẩm chúng tôi tạo ra chính là sự chung tay của những người phụ nữ. Khi bạn tết những sợi dây vào nhau là bạn kết nối tình bạn, sức mạnh, sự đoàn kết. Mặc dù chúng tôi cách xa nhau ngàn dặm nhưng điều đó không ngăn được những ý tưởng chung, sự kết nối nghệ thuật và tình cảm của những người chung lý tưởng”, chị Lola nói thêm. 

Những người thợ thủ công Pà Cò

Sự kết hợp giữa các nghệ nhân ở Pà Cò, Hà Nội và London chính là một cơ hội mới để mở ra những trường kiến thức mới. Mỗi cộng đồng đều học thêm được cách tiếp cận sáng tác mới, những kỹ năng mới, những khám phá chất liệu mới hay ý tưởng mới.

Những người thợ từ WAX Atelier, London vận dụng một số kiến thức mới học được theo một cách hoàn toàn khác. Các nghệ nhân ở Pà Cò cũng học hỏi nhiều kỹ thuật mới, cách tiếp cận mới như bện dây, phối màu, tạo hoa văn… và cả cách kể chuyện cho một sản phẩm, trình bày, đóng gói, định giá, làm truyền thông.

Sinh kế cho người thợ thủ công 

NTK Vũ Thảo cho rằng, các nhóm thợ thủ công dân tộc thiểu số là những “nhà gác cổng” cho văn hoá chế tác truyền thống của Việt Nam. Chính họ là những người đang nắm giữ bí quyết, công thức, quy trình của chế tác chất liệu truyền thống. Ngoài ra, tính đa dạng của hệ sinh thái văn hoá này vẫn còn rất sống động tại nhiều vùng miền dù đã mai một nhiều. Và cũng chính những con người này vừa phải vật lộn để gìn giữ văn hoá bản địa của họ vừa phải kiếm kế mưu sinh. 

Phụ nữ Pà Cò mỗi ngày đều vui với công việc

Họ cũng thiệt thòi hơn trong việc tiếp cận với giáo dục, công nghệ và những cơ hội giao lưu, trao đổi văn hoá so với các cộng đồng dưới xuôi. Vì thế, hợp tác với các cộng đồng thủ công dân tộc thiểu số không chỉ là mong muốn mà là một sứ mệnh đối với bà Thảo và nhiều nhà thực hành sáng tạo khác. 

Điều này góp phần tiếp tục duy trì được nghề truyền thống, tăng thu nhập thêm cho đồng bào, cải thiện sinh kế cho những người thợ thủ công, đồng thời thúc đẩy động cơ tiếp tục duy trì nghề truyền thống hiệu quả hơn là chỉ dừng lại ở các dự án hợp tác chỉ có tính hình thức. 

Thành tựu đạt được cho bà con thợ thủ công là dự án Chế tác xuyên biên giới & Gầu Tào. Một chuỗi sản phẩm mới đã ra đời: nến sáp ong, hoa sáp, vải sáp, túi xách, phụ kiện thời trang. Khi đó, trường Đại học Harvard (Mỹ) đã đặt hàng một loạt sản phẩm túi bảo vệ máy tính xách tay. Các nghệ nhân hết sức phấn khởi khi thấy sản phẩm mình làm ra được ứng dụng đời sống ngay lập tức. 

"Sợi dây chúng tôi sử dụng để tạo nên sản phẩm chính là phép ẩn dụ cho tinh thần hợp tác, sức mạnh tập thể"

“Các nghệ sĩ từ London chưa lần nào đặt chân đến Pà Cò trước khi dự án diễn ra nhưng đã hoà đồng rất nhanh. Đồng thời, các nghệ nhân và NTK ở Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt được dụng ý, mong muốn của các bạn cùng tham gia để cùng nhau sáng tạo. Sự hoà hợp như một thứ ngôn ngữ đặc biệt,  ngôn ngữ của những ý tưởng sáng tạo. 

Mỗi người tham gia dự án như một sợi chỉ riêng biệt nhưng cuối cùng lại đan cài vào nhau thành một sợi dây thống nhất, bổ trợ cho nhau. Sợi dây chúng tôi sử dụng để tạo nên sản phẩm cũng chính là phép ẩn dụ cho tinh thần hợp tác, sức mạnh tập thể”, NTK Vũ Thảo bộc bạch.