Trong môi trường 95-97% đồng nghiệp là nam giới, những nữ phi công ngày càng chứng tỏ khả năng của mình, dù cuộc sống họ luôn chông chênh giữa đam mê nghề nghiệp và đời tư.
"Lần gần đây nhất bạn nghe câu 'Tôi là cơ trưởng của chuyến bay...' từ giọng nữ là bao giờ?", Telegraph đặt câu hỏi trong một bài báo có tựa đề: "Vì sao thế giới có quá ít nữ phi công?".
Thực tế, rất hiếm khi khách hàng trong ngành công nghiệp vận tải này đã từng nghe câu nói trên bằng giọng nữ. Bởi số lượng phi công nữ trên thế giới chỉ chiếm trung bình 3-5%, và càng ít trong số đó nắm quyền điều khiển chính máy bay.
Phi công vốn là công việc phi giới tính. Bất cứ ai có đủ điều kiện về sức khỏe, bằng cấp và kinh nghiệm đều có thể được theo đuổi công việc này. Tuy vậy, số lượng người có thể đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của nghề không nhiều, ngay cả với nam giới, chứ chưa tính tới nữ.
Lịch sử đã tạo nên một lối mòn trong suy nghĩ, khi biến phi công từ nghề phi giới tính trở thành ngành truyền thống của riêng nam giới. |
Yêu cầu của nghề đặt nặng khả năng ngoại ngữ và ngoại hình. Hầu hết mọi giáo trình, mọi thiết bị điều khiển đều được ghi bằng tiếng Anh. Và việc phải bay tới nhiều khu vực trên thế giới cũng yêu cầu các phi công, đặc biệt là cơ trưởng có phản xạ tốt về ngôn ngữ.
Về ngoại hình, khả năng phản xạ, tâm lý, sức khỏe, chiu đựng được việc thay đổi nhịp sinh học, và đặc biệt không mắc các tật về mắt, tiêu hóa là yêu cầu tiên quyết của những "tài xế trên không".
Vượt khỏi các bài kiểm tra đầu vào, nữ phi công cần được đào tạo trong khoảng thời gian dài trên một loại máy bay phổ thông nhất định. Sau đó, họ sẽ có thời gian rèn luyện chuyên sâu từ 8 đến 12 tuần với một hoặc vài loại máy bay. Những kỹ năng chuyên sâu này chính là chìa khóa giúp họ kiếm được công việc, và cũng là điểm mấu chốt giúp phi công, cũng như các khách hàng sống sót.
Đạt được tất cả những yêu cầu đó, các nữ phi công sẽ còn phải đối mặt với nhiều áp lực đặc biệt, đến từ chính "nền văn hóa quân sự trong ngành phi công". Telegraph dẫn thông tin từ một báo cáo của Chương trình phi công trong tương lai, do hãng hàng không British Airways thực hiện cho biết, 2/3 số nữ khảo sát viên trả lời rằng: "Đó là công việc của một người đàn ông trưởng thành".
Trong số những câu hỏi gửi về trang web của phi công về hưu Lim Khoy Hing hãng AirAsia - tác giả cuốn sách Life in the Sky, kể về cuộc sống những người theo đuổi nghề phi công - có rất nhiều thắc mắc từ những nữ đồng nghiệp. "Vì sao có quá ít phi công nữ?", "Tôi nên chọn làm bác sĩ hay phi công?", 'Con gái thích nghề phi công, nhưng mẹ nói không được", "Nữ phi công liệu có tìm được cuộc hôn nhân hạnh phúc"... là những câu hỏi được nhiều người theo dõi nhất.
Thực tế cho thấy, mức độ đảo lộn cuộc sống của các nam phi công thấp hơn rất nhiều so với giới nữ. Những chuỗi ngày cô đơn vì thường xuyên xa nhà, phải cố gắng duy trì những mối quan hệ với người thân, bạn bè trong những kỳ nghỉ ngắn ngủi có thể là đủ với nam phi công, nhưng là không đủ với một đồng nghiệp nữ.
Judy Cameron, người trở thành nữ phi công đầu tiên của Air Canada vào năm 1978, đã có một bài phỏng vấn dài với tờ Financial Post. Phóng viên thậm chí đã đặt câu hỏi rất khó cho Cameron, rằng "cô sẽ tìm cách bay như thế nào khi đối mặt sự căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt?".
Để trả lời, Cameron giữ đánh giá rằng, mình luôn cố gắng thật "dễ thương", dù cho ngày hôm đó cô có đối mặt với vị khách buông lời cay nghiệt. Kiểu như "Ồ, phi công nữ ư? Được thôi, hãy giữ cô ta ra xa khỏi đường băng, và mọi chuyện sẽ đều ổn cả".
Bỏ ngang học Đại học Kinh tế, hoàn thành 4 năm học phi công, Huỳnh Lý Đông Phương trở về Việt Nam và làm việc tại Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines từ tháng 9/2011. Tháng 8/2015, cô trở thành cơ trưởng đầu tiên của Vietnam Airlines, gia nhập đội bay Airbus A321.
Thời gian đầu tham gia huấn luyện rất khó khăn với cơ trưởng này. "Có hôm, tôi bị ốm nhưng vẫn phải đi bay huấn luyện. Tôi đã nôn trên chiếc áo vàng mình thường mặc khi đi kiểm tra máy bay và lúc bay thử. Khi về phòng ở ký túc xá, tôi lấy áo đó ra giặt, vừa giặt vừa khóc, và nghĩ có nên dừng tại đây không? Lúc nhìn lại mình trong gương, tôi mới nghĩ mình đã sai và quyết tâm hoàn thành chương trình học thật tốt”. |
(Theo Zing)