Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu là tiểu thuyết lịch sử kinh điển kể về cuộc đời vị danh y tài hoa Sinuhe. Câu chuyện của ông là tấn bi kịch đại diện cho thời cuộc biến động với đầy những mâu thuẫn nội tâm, khao khát tình yêu và cả những khát vọng nguyên thủy của con người sống ở thời Ai Cập cổ đại.

Sách Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu.

Qua ngòi bút tài hoa của tác giả Mika Toimi Waltari, Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn giàu tính triết lý, kết hợp hài hòa giữa lịch sử huyền bí và cuộc sống đời thường của người Ai Cập cổ đại. Những độc giả yêu thích bản phóng tác “Dấu chân trên cát” của học giả Nguyên Phong sẽ thấy thú vị khi đọc bản nguyên tác này.

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Ai Cập dưới thời trị vì của hai vị Pharaon Ekhnaton và Horemheb vào những năm 1390-1335 trước Công lịch. Đó là thời kỳ đất nước Ai Cập xảy ra nhiều biến động với những mâu thuẫn chia rẽ nội bộ cùng các cuộc chiến tranh xung đột với các nước láng giềng. Không chỉ là cuộc chiến giữa người với người, đó còn là cuộc chiến giữa thần với thần được thể hiện trong sự thay đổi tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại. 

Lật giở từng trang sách, độc giả cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn cũng như dòng chảy số phận kỳ lạ của Sinuhe từ lúc mới lọt lòng cho đến khi là một chàng trai trưởng thành, chìm đắm trong tình yêu rồ dại để rồi bị cuốn vào cuộc chiến chốn vương triều. 

Bất kể ở thời đại nào, những ai từng lắng nghe câu chuyện của Sinuhe sẽ không thể quên cảm giác du hành thời gian về thế giới cổ đại, cảm nhận cuộc sống chân thực nơi đây, như nhìn thấy bản thân mình ở đâu đó trong cuộc hành trình của Sinuhe, bởi tuy cách nhau hàng ngàn năm, nhưng những tình cảm, khát vọng nguyên thủy và cả bi kịch của con người hầu như không thay đổi. 

Khát vọng tình yêu mãnh liệt

Sinuhe - nhân vật chính trong tác phẩm - là một đứa trẻ bị bỏ rơi lúc mới lọt lòng, được hai vợ chồng lương y nghèo không có con tìm thấy và nuôi nấng. Lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ nuôi, Sinuhe trải qua tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc ở thành Thebes náo nhiệt - thủ đô của Ai Cập thời bấy giờ.

Vốn thông minh và có nền tảng giáo dục tử tế, chàng thanh niên Sinube nhanh chóng trở thành một y sinh giàu triển vọng. Như bao chàng trai ở độ tuổi mới lớn khác, Sinuhe cũng bị thu hút bởi vẻ ngoài hấp dẫn cùng nỗi khát khao tình ái. 

Chàng trai sớm đắm chìm đam mê với Nefernefernefer, một nữ tu xinh đẹp nhưng đầy hiểm độc. Sinuhe đại diện cho khát vọng tình yêu, Nefernefernefer lại đại diện cho tham vọng tiền bạc khi bao quanh là sự hào nhoáng của giới quý tộc, những bữa tiệc tùng xa hoa trong đền thờ.

Vì thế, dễ hiểu khi Sinuhe dễ dàng tiêu tán hết tài sản để đổi lấy tình yêu phù phiếm. Không chỉ đánh mất tất cả, cậu còn khiến cha mẹ nuôi qua đời trong tình cảnh khốn cùng, không có lấy một nấm mồ để chôn cất hay tẩm ướp thi thể - một phong tục thiết yếu theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại để có cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết.

Dưới ngòi bút của Mika Waltari, những sai lầm, bồng bột của Sinuhe hiện lên rất rõ ràng: tình yêu mù quáng, nỗi tò mò tình ái không kiềm chế nổi và cuối cùng là những hệ lụy mà cậu lẫn gia đình phải gánh chịu. Song, chính điều này lại kéo Sinuhe lại gần với chúng ta hơn, bởi nó gợi lại những thôi thúc, những ngộ nhận của tuổi trẻ mà ai cũng từng trải qua trong đời. Để rồi sau những vấp ngã, tình yêu của Sinuhe với trinh nữ Minea ở đảo Crete hay với Merit - nữ hầu bàn quán rượu ở Thebes trưởng thành và sâu sắc hơn. 

Tình yêu tựa như nỗi khắc khoải khôn nguôi hiện diện trong tâm trí Sinuhe. Đó không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà còn là tình cảm gia đình thiêng liêng, là sự tha thứ và tin tưởng vô điều kiện mà cha mẹ nuôi dành cho Sinuhe sau tất cả những bi kịch mà cậu mang đến cho họ. 

Xuyên suốt tác phẩm, Mika Waltari cũng không ngừng nhắc đến tình yêu vô bờ của Sinuhe dành cho quê hương Thebes và đất nước Ai Cập trù phú, xinh đẹp. Câu nói của Sinuhe “Ai đã từng một lần uống nước sông Nile, người đó sẽ khát khao trở lại sông Nile. Nước ở bất cứ nơi nào khác không thể làm anh ta nguôi cơn khát” được nhắc lại rất nhiều lần như một “điệp khúc” trong tác phẩm.

Ngoài ra, độc giả còn bắt gặp tình yêu đơn phương của Horemheb với công chúa Baketaton, ham muốn nhục dục của quản gia hậu cung Mehunefer với Sinuhe, của Thái hậu Teje với Quốc trượng Eje… Chính những cảm xúc mãnh liệt đó dẫn đến nhiều âm mưu và xung đột quyền lực sau này.

Lý tưởng và bi kịch 

Sau những tổn thương trong tình yêu và nỗi đau mất người thân, số phận tiếp tục đưa đẩy Sinuhe đến những vùng đất xa xôi. Suốt hành trình đó, Sinuhe bị cuốn vào vòng xoáy của tham vọng, và những xung đột quyền lực giữa hai người bạn thân, cũng chính là hai vị Pharaon sau này. Sinuhe đã trải qua những năm tháng vinh quang nhưng cũng đầy chua xót, sau cùng bị lưu đày bởi chính người bạn Horemheb của mình.

Nhưng trước khi bi kịch ấy bắt đầu, cuộc hội ngộ bất ngờ trong đêm giữa Sinuhe, Ekhnaton và Horemheb trước ngày Ekhnaton lên ngôi, trở thành Pharaon đã báo hiệu về một tình bạn khác thường, cũng như châm ngòi cho những cuộc tranh giành quyền lực gay gắt tại đất nước Ai Cập. 

Vốn xuất thân hoàng gia cao quý, Ekhnaton là một Pharaon theo chủ nghĩa hòa bình, hết mực tin vào sự gắn kết với thần linh. Trong khi đó, Horemheb được sinh ra dưới thân phận một thường dân. Với tài thao lược và bản lĩnh vững vàng của một người lính, Horemheb nhanh chóng được Ekhnaton trọng dụng và trở thành một vị tướng tài giỏi nhưng cũng đầy tham vọng và nổi tiếng tàn nhẫn thời bấy giờ. 

So với hai người bạn, cuộc đời Sinuhe ít sóng gió hơn khi ông trở thành một danh y nổi tiếng lưu lạc đến nhiều vùng đất khác nhau để trau dồi kiến thức y học. Bản chất công việc giúp ông có cơ hội biết được những bí mật quốc gia và âm mưu khủng khiếp ở những nơi mình từng ghé qua. Tuy tỏ ra bàng quan trước thế sự, nhưng Sinuhe lại là người có chính kiến trong vấn đề chính trị cũng như nhiều lần chấp nhận để “tay nhúng chàm” vì lý tưởng của mình. 

Khi chiến tranh nổ ra, Sinuhe đã hạ độc giết Ekhnaton dưới sự ép buộc của Horemheb. Quốc vương băng hà, Horemheb trở thành người cai trị thực sự của Ai Cập và chấm dứt chiến tranh. Nhưng cũng từ đó, Sinuhe không còn muốn dùng tài năng của mình chữa bệnh cho mọi người, bởi ông thấy đôi tay mình là đôi tay tội lỗi, chỉ gieo rắc cái chết.

Điều thú vị là tác giả Mika Waltari không trực tiếp nhắc đến đến những lý tưởng sống cao đẹp hay tính chính nghĩa trong tác phẩm. Thay vào đó, ông tập trung làm rõ nội tâm và quyết định của mỗi nhân vật. Mỗi người đều hướng đến lý tưởng của mình, chịu trách nhiệm cho nó và thậm chí chìm vào bi kịch do mình tạo ra. 

Kiệt tác Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1945 và chỉ sau 1 năm, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản 4 lần với tổng số bán ra hơn 70.000 bản. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch sang 40 thứ tiếng và được phát hành rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự thành công của tác phẩm kinh điển này giúp tác giả Mika Toimi Waltari trở thành một trong những nhà văn Phần Lan nổi tiếng nhất thế kỷ 20. 

Phương Thanh

Sách hay về anh hùng Nguyễn Đức CảnhKỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn truyện ký Nguyễn Đức Cảnh của tác giả Nghiêm Đa Văn.