HĐXX cấp phúc thẩm cũng đình chỉ xét xử đối với ông Lương Văn Hóa bởi vào ngày 7/3, Trại tạm giam T16 Bộ Công an thông báo về việc người bị tạm giam là ông Lương Văn Hóa đã chết ngày 6/3 tại Bệnh viện Bạch Mai do viêm phổi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, K biểu mô di căn hạch theo dõi nguồn gốc từ phổi.

HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ tội đối với bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty Dược phẩm Cửu Long) và Nguyễn Nam Liên (cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) - Bộ Y tế).

Theo đó, ông Hải phải thi hành mức án 5 năm tù; ông Liên thi hành mức án 15 tháng tù.

Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải 6 năm tù vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; bị cáo Nguyễn Nam Liên 24 tháng tù vì tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Đối với các kháng cáo khác của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc đề nghị hủy kê biên các tài sản, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng việc áp dụng biện pháp tư pháp để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan là có căn cứ. HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nói trên.

Tranh chấp dân sự

Tại bản án sơ thẩm, về phần dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm buộc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế 3,8 triệu USD. Đối trừ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả thì công ty này còn phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng.

Theo đánh giá của TAND TP Hà Nội, trong vụ án này, các bị cáo là cựu cán bộ Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đã không báo cáo Bộ Y tế về số tiền hơn 3,8 triệu USD được giảm giá mà hạch toán trái pháp luật, che giấu số tiền phải trả lại cho Bộ Y tế. Đây là vụ lợi tập thể, các bị cáo có lỗi trực tiếp gây thiệt hại.

Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đã dùng tiền vào nhiều mục đích khác nhau (như chia cổ tức cho các cổ đông…), số tiền trên đã hòa vào hoạt động chung của công ty nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh từ đó đến nay.

Theo quy định của pháp luật, thiệt hại của pháp nhân gây ra thì pháp nhân phải bồi thường trước, sau đó pháp nhân có thể yêu cầu cá nhân gây thiệt hại phải hoàn trả số tiền trên cho Bộ Y tế.

Công ty CP Dược phẩm Cửu Long có quyền yêu cầu các bị cáo, cá nhân liên quan hoàn trả lại tiền, nếu có tranh chấp, yêu cầu giải quyết trong vụ án dân sự khác.

Không đồng tình với phán quyết nêu trên của bản án sơ thẩm, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo và người liên quan (các thành viên HĐQT cùng các cổ đông đã hưởng thù lao, cổ tức từ nguồn tiền hạch toán giảm giá vốn trong thời gian từ năm 2006 - 2008) liên đới bồi thường, hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Bộ Y tế. 

Theo luật sư Đỗ Mạnh Trường, thời điểm thực hiện tội phạm, các bị cáo đang thực hiện các hoạt động quản trị doanh nghiệp. Việc hạch toán sử dụng trái pháp luật số tiền 3,8 triệu USD chi cổ tức, thù lao cho các thành viên HĐQT là trên cơ sở các nghị quyết của HĐQT giai đoạn 2006-2008. 

Hiện các nghị quyết không phù hợp này đã bị HĐQT đương nghiệm hủy bỏ theo Nghị quyết số 19/2022. Do đó, khi giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần áp dụng Điều 94 Luật Doanh nghiệp năm 2005 để điều chỉnh quan hệ bồi thường. 

Cụ thể: “Trường hợp trả cổ tức trái quy định thì các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trừ trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì cổ đông và tất cả thành viên HĐQT phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ…”. 

Theo luật sư, điều này cũng phù hợp với quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra tại Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015. 

Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty CP Dược phẩm Cửu Long, dành quyền khởi kiện cho công ty này để thu hồi lại tiền.