Sau thành công với Misfit, Lê Diệp Kiều Trang và chồng mình là ông Sonny Vũ đã mở một quỹ đầu tư có tên Alabaster để rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Khi thành lập Alabaster, điều mà bà Trang ấp ủ thông qua việc đầu tư vào các công ty công nghệ là mở ra những cơ hội mới cho đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam. 

Theo bà Trang, GDP đầu người của Việt Nam hiện ở top 120-130 thế giới. Tuy nhiên, có 1 chỉ số Việt Nam luôn đứng trong top 10, đó là thứ hạng của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam. 

Bà Trang cho rằng, Việt Nam đứng ở vị trí rất cao trên trường quốc tế trong một lĩnh vực rất đáng tự hào, đó chính là con người. Năng lực của sinh viên, học sinh Việt Nam được đánh giá rất cao về toán và các môn khoa học. 

{keywords}
Bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ tại Techfest 2020. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ về công ty cũ của mình, bà Trang cho biết, những ngày đầu mới thành lập, Misfit đã mở một văn phòng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh để tuyển các kỹ sư Việt Nam. Nhiều gương mặt trong số này sau đó đã mở tách ra để mở các start-up công nghệ. 

Theo bà Trang, những kỹ sư người Việt đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công của Misfit. Khi vợ chồng bà “exit” dự án và bán công ty cho Fossil với giá 280 triệu USD, những kỹ sư này lại tiếp tục một hành trình mới cùng với sự thay đổi của Misfit.

“Khi mua những chiếc smartwatch mang nhãn hiệu Fossil, đằng sau nó đều là chất xám của đội ngũ kỹ sư của người Việt", bà Trang nói.

Sau hành trình của Misfit, điều khiến bà Trang tự hào nhất là việc công ty này đã cho ra đời một đội ngũ kỹ sư phần mềm có chuyên môn cao. Họ sẽ là một phần của các công ty công nghệ ở cả trong và ngoài nước. 

{keywords}
 Ảnh: Trọng Đạt 

Chia sẻ câu chuyện thứ 2, bà Trang cho biết, vào giờ này năm ngoái, có một công ty mới thành lập tên là Harrison AI của Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng, 2 bạn trẻ người Việt. Đây là dự án sử dụng công nghệ học máy (machine learning) để giải quyết vấn đề chẩn đoán y tế bằng hình ảnh. 

Harrison AI đã liên kết được với công ty chẩn đoán hình ảnh lớn nhất ở Úc, qua đó nắm trong tay một lượng big data khổng lồ. Nhờ lượng dữ liệu này, Harrison AI đã phát triển công nghệ giúp chẩn đoán hơn 120 loại bệnh chỉ dựa vào việc chẩn đoán hình ảnh. 

Việc sử dụng công nghệ để tìm ra các điểm bất thường sẽ rất có ích cho các cơ sở y tế trong trường hợp bị quá tải. Sản phẩm này sau đó đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành trong hệ thống y tế của EU, Úc và New Zealand. 

Ở câu chuyện của Harrison AI, điều không nhiều người biết là kết quả của công ty này có sự tham gia đóng góp của 150 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại TP.HCM. Bên cạnh việc khám lâm sàng, các bác sĩ giờ đây có thêm một công việc khác là đào tạo cho AI. Điều này đã mở ra một cơ hội mới cho những người đang làm việc trong ngành y tế. 

Các kỹ sư Việt đủ giỏi

Theo bà Trang, 2 câu chuyện kể trên là minh chứng cho thấy nước ta hoàn toàn có cơ hội để xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam. Cách làm này sẽ mở ra cơ hội kiếm được một nguồn thu nhập chính đáng cho đội ngũ trí thức người Việt. 

Ở một góc nhìn lớn hơn, việc “xuất khẩu tại chỗ” đang góp phần đào tạo ra một nguồn lực chất xám quan trọng. Đây chính là nguồn lao động đầu vào để phát triển các ngành công nghệ cao khác tại Việt Nam. 

Cựu giám đốc Facebook Việt Nam cho rằng, khi đầu tư vào một lĩnh vực công nghệ, điều này cũng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực truyền thống khác cùng phát triển. 

{keywords}
Phong cách làm việc của quỹ đầu tư Alabaster là mua các công ty nước ngoài và phát triển những dự án đó bằng chất xám và trí tuệ của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, bà Trang kể về câu chuyện của Arevo - start-up sử dụng máy in 3D để tạo ra bộ khung cho xe đạp do chính vợ chồng bà sáng lập. Theo bà Trang, sự tồn tại của Arevo đã hỗ trợ tích cực cho ngành công nghiệp sản xuất xe đạp ở Việt Nam. 

Hơn 50% thành phần linh kiện của xe đạp Arvevo là sản phẩm Made in Vietnam. Nhờ vậy, thuế nhập khẩu khi đi vào thị trường EU đã giảm đi một cách đáng kể. Điều này cũng góp phần loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thông qua những ví dụ này, bà Trang cho biết, thay vì đầu tư vào một công ty công nghệ tại Việt Nam, Alabaster chọn đầu tư vào các dự án nước ngoài với điều kiện họ phải có phát minh công nghệ ở tầm xuất sắc, sau đó mở văn phòng và tuyển dụng đội ngũ kỹ sư Việt Nam. 

{keywords}
Ảnh: Trọng Đạt

Nhờ cách làm này, quỹ Alabaster sẽ thu vốn nhanh chóng từ thị trường tài chính thế giới và tranh thủ được những công nghệ tân tiến nhất. Đội ngũ kỹ sư người Việt cũng được hưởng lợi nhờ mức thu nhập tốt và khả năng tiếp cận với những công nghệ tân tiến. 

Việt Nam hiện vẫn chưa phải là điểm đến của các công ty công nghệ. Do vậy, có không ít sự ngần ngại từ những nhà đầu tư khác trước ý tưởng thuê nhân công công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, bà Trang tin rằng, các kỹ sư Việt Nam đủ giỏi để giúp các công ty thương mại hóa được sản phẩm công nghệ. 

Bà Trang hy vọng, những sản phẩm, dự án của mình khi được đem về nước sẽ giúp kết nối và phát triển đội ngũ kỹ sư người Việt. Điều này sẽ mở ra cơ hội đào tạo nên một đội ngũ kỹ sư Việt Nam giỏi, qua đó, góp phần xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu.  

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST VIETNAM 2020 với chủ đề “Thích ứng - Chuyển đổi - Bứt phá" diễn ra từ ngày 27-29/11 tại Hà Nội với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức. Đồng thời, đây là dịp quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế.

Trọng Đạt