- 7h sáng (25/12), tàu Vinalines Queen gặp sự cố nhưng phải đến 12h, trung tâm tìm kiếm cứu nạn mới nhận được tin. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Lê Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giải thích: “Việc chậm liên lạc là sự cố ngoài tầm kiểm soát”.
 

Chiều tối ngày 3/1, trả lời báo giới, ông Sơn thừa nhận có sự chậm chễ trong việc báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn vụ việc của tàu Vinalines Queen khi 7h sáng (25/12) tàu có sự cố nhưng phải đến 12h, trung tâm tìm kiếm cứu nạn mới nhận được tin.

Lý giải cho sự chậm chễ này ông Sơn cho hay: Tàu Vinalines Queen được đóng năm 2005 được trang bị nhiều thiết bị rất hiện đại. Tàu có hệ thống tự động, cảnh báo, phát tín hiệu tự động.

Khi tàu đột ngột mất tín hiệu phía công ty đã đưa ra nhiêu phương án giả thiết như có thể tàu bị rơi vào vùng quân sự, bị niêm phong hoặc các trường hợp khác.

“Việc chậm liên lạc do đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát, vì chúng tôi chưa bao giờ có sự cố đối với một con tàu hiện đại như vậy”, ông Sơn thừa nhận.

Khi được hỏi về giá trị bảo hiểm của con tàu, ông Sơn cho biết trước khi gặp nạn, Vinalines cũng đã mua bảo hiểm cho tàu Vinalines Qeen trị giá 27 triệu USD, số tiền này trên giá trị thực của tàu.

Ngoài ra, các thuyền viên trên tàu cũng đã được mua bảo hiểm tai nạn mức khoảng 25.000 - 40.000 USD/người.

“Trường hợp xấu nhất xảy ra đối với các thuyền viên chưa được tìm thấy, ngoài số tiền bảo hiểm cho thuyền viên, gia đình các nạn nhân sẽ được nhận thêm sự hỗ trợ từ Vinalines. Hiện chúng tôi đã tiến hành quyên góp trong nội bộ công ty, bên cạnh đó còn có sự tham gia của nhiều đươn vị khác”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, từ khi bắt đầu tìm kiếm đến nay, toàn bộ số tiền chi trả cho việc tìm kiếm đều do Tổng công ty Vinalines tự bỏ.

“Việc chậm liên lạc do đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát, vì chúng tôi chưa bao giờ có sự cố đối với một con tàu hiện đại như vậy” (Ảnh: Minh họa)


Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (Việt Nam MRCC), cho biết, tính đến chiều 3/1, công tác tìm kiếm vẫn được tiến hành khẩn trương, Trung tâm đã liên lạc với các tàu trong khu vực như Philippin, Đài Loan để kêu gọi tất cả tàu cá tìm kiếm thuyền viên có khả năng trôi dạt.

“Trung tâm cũng đã liên lạc đại sứ Việt Nam tại Philippin để cố tìm phương tiện biển tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi đang tính và sẽ thuê bằng được một công ty cứu hộ Philippin, kể cả phải đề xuất nhà nước hỗ trợ. Chỉ khi thấy không còn khả năng tìm được những thuyền viên gặp nạn mới kết thúc việc tìm kiếm”, ông Vũ khẳng định.

Không ngại tốn tiền

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngay khi xảy ra sự cố với tàu Vinalines, Bộ GTVT đã chỉ đạo chặt chẽ với Trung tâm Cứu hộ cứu nạn và Tổng công ty Vinalines để phối hợp nỗ lực tìm kiếm các thuyền viên gặp nạn.

“Chiều 3/1, chúng tôi đã có một cuộc về vấn đề này. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với nhau một cách tốt nhất, nhanh nhất đồng thời phối hợp với Chính phủ các nước, đặc biệt là Nhật Bản để tìm kiếm.

Việc tìm kiến các thuyền viên bị nạn không phụ thuộc tốn bao nhiêu tiền, chỉ khi nào quá thời hạn, không còn khả năng tìm được nữa thì mới dừng lại bởi tính mạng con người là quý nhất”, ông Thăng nói.

Bộ trưởng Thăng cũng thẳng thắn khi yêu cầu Tổng công ty Vinalines phải rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin với báo chí.

“Vinalines đã không chủ động cung cấp thông tin. Đáng lẽ ra, ngay khi xảy ra sự cố phải lập tức có họp báo để công bố thông tin. Công ty cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc về vấn đề này”, ông Thăng nói.

Vũ Điệp