Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công (dự kiến là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với giai đoạn 2016-2020).

{keywords}
Đã có khoảng 1.000 dự án đầu tư công được công bố cắt giảm

Do đó, để khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, danh mục dự án đầu tư công phải được rà soát kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án, kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả. Cơ chế, thủ tục đầu tư phải tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm công khai, minh bạch, loại bỏ “xin - cho”. Cùng với việc phân cấp, phân quyền, cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị từ việc rà soát, đề xuất, triển khai đến khi hoàn thành đưa dự án vào sử dụng; đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…

Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ một tuần kể từ khi Chỉ thị số 13/CT-TTg được ban hành, đã có khoảng 1.000 dự án đầu tư công được các bộ, ngành, địa phương công bố cắt giảm. Như vậy, số lượng dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm xuống còn 5.000 dự án theo yêu cầu của Thủ tướng, nghĩa là giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020 (11.000 dự án), và hơn 4 lần so với giai đoạn 2011-2015 (22.000 dự án).
 
Ngọc Dũng