Trong thời điểm Hiệp định thế kỷ TPP được ký kết, nhiều doanh nhân Việt tâm niệm rằng, thay vì quá hưng phấn hay quá lo lắng. Hãy nhìn vào thực tế để vươn lên, chớp cơ hội và giành lấy thật nhiều lợi ích.
Mừng - lo; không bi quan
“Đương nhiên sẽ có nhiều nhiều lợi ích cho DN, nhất là DN xuất khẩu", đó là điều mà bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) tin tưởng khi TPP được ký kết.
Bà chia sẻ: “Năm 2015, khi mới có tin TPP sớm được ký kết, lượng khách hàng tìm đến Việt Nam đã tăng lên nhiều. Từ năm ngoái, nhiều DN Mỹ đã vào Việt Nam khảo sát nghiên cứu, đặt hàng các DN có nguồn hàng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu TPP. Trong năm 2016 này, đơn hàng của Mỹ vào Việt Nam cũng rất lớn”.
Ngành dệt may sẽ hưởng lợi lớn từ TPP (ảnh: theo baothanhoa) |
Riêng với công ty Liên Phát, đơn hàng năm 2015 tăng từ 10-15%. Các năm trước, đối tác xuất khẩu của công ty chủ yếu là EU nhưng nhờ hiệu ứng TPP, năm 2015-2016, một tỷ lệ lớn đơn hàng là xuất sang Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Hưng Yên cũng tỏ ra lạc quan cho biết: “Hiện nay công ty chúng tôi đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 400 triệu USD/năm. 5 năm tới, với hiệu ứng TPP mang lại, chúng tôi hi vọng có thể đạt khoảng 550 triệu USD/năm, tăng gấp rưỡi so với hiện nay”.
Sở dĩ, ông Dương tự tin như vậy là bởi, từ khi TPP mới đang đàm phán những vòng đầu, dệt may đã được dự báo ngành hưởng lợi “tỷ đô” khi có thể tiếp cận một thị trường rộng lớn chiếm 40% GDP toàn cầu với thuế quan sẽ về 0%. Những năm qua, dù chưa có TPP là cú hích thì ngành dệt may đã có đà tăng trưởng trung bình 10%/năm.
Thậm chí, ngay cả với những rào cản đã được nhắc nhiều khi hội nhập trong TPP đối với dệt may, da giày như quy tắc "xuất xứ từ sợi", hai vị doanh nghiệp này khẳng định, đã chuẩn bị kỹ lưỡng và chắc chắn sẽ vượt qua. Ông Dương còn đặt mục tiêu sẽ đẩy tỷ lệ nội địa hóa của công ty từ 30% lên 70-80% trong 5 năm tới.
Trái ngược với những hân hoan hai ngành xuất khẩu trên, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN) lo ngại, vào TPP, trước mắt, ngành nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi sẽ chịu nhiều thua thiệt.
“Tuy nhiên, sau ký kết, 2 năm sau, Hiệp định mới bắt đầu có hiệu lực thực hiện nên chúng ta vẫn còn thời gian và cơ hội để chuẩn bị nâng cao năng lực đáp ứng các cam kết. Chúng ta phải lo, nhưng đừng bi quan với nỗi lo đó”, ông Mười tâm sự.
Không thể không gồng mình
Có thể nói, sự lạc quan và niềm tin của các doanh nghiệp Việt vào lợi ích mà TPP mang lại đều đặt trên cơ sở sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng.
Như ông Văn Đức Mười nhấn mạnh: "Với các hiệp định được ký kết, chúng ta có dịp tự nhìn lại mình, bắt đầu lại từ đầu. Có thể là hơi trễ nhưng vẫn tốt hơn là chúng ta không làm gì”.
Trao đổi với Vietnamnet, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhìn nhận: "Việt Nam đã đi được một chặng đường dài và cũng là quốc gia hăng hái nhất trong việc cam kết gia nhập các định chế kinh tế khu vực và quốc tế. Có rất nhiều FTA đã được ký và với TPP, đó là hội nhập ở đẳng cấp cao, hàng đầu thế giới. Vấn đề là làm sao để chuẩn bị và thực thi đúng các cam kết đó, kể cả về thể chế và sức cạnh tranh của DN và của cả nền kinh tế".
Theo TS Hồ, việc hưởng lợi và vượt qua thách thức ở TPP sẽ tùy thuộc vào nỗ lực của toàn bộ hệ thống bên trong nền kinh tế từ trung ương đến địa phương. Bản thân các doanh nghiệp phải nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và ngay cả trên sân nhà. Rút kinh nghiệm từ gia nhập WTO, chúng ta phải sớm chấm dứt tình trạng hăng hái hội nhập nhưng chuẩn bị và thực thi cam kết thì rất kém bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ vừa không tận dụng được cơ hội mà còn biến cơ hội thành rủi ro thua thiệt.
"Chúng ta đã cưỡi lên lưng hổ rồi, không thể không gồng mình lên để phi tới trên con đường phát triển và hội nhập đầy cơ hội và cũng đầy thách thức mới lớn hơn trước đây rất nhiều", TS Hồ lưu ý.
Hà Duy