Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ được giao về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hình thức tuyên truyền khá đa dạng như: Tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pa nô tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan một số vấn đề pháp luật, tập huấn cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng... Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân miền núi.

Dựa trên những đặc thù của đồng bào khu vực miền núi, đơn vị này đã tập trung nội dung tuyên truyền vào các nhóm chủ yếu như: giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội tại các xã biên giới đất liền.

Ban Dân tộc cũng tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá Đảng, Nhà nước. 

anh man hinh 2023 12 31 luc 215439.png
Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. 

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp giao, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án, đối tượng tập trung trợ giúp pháp lý gồm: già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số  và miền núi; người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 3 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 6 xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa với 265 người dân tộc thiểu số tham gia. Ngoài ra, tham gia các đợt trợ giúp pháp lý còn có đại diện UBND xã, công chức tư pháp hộ tịch xã.

Các đợt truyền thông tập trung phổ biến các kiến thức, quy định về Luật Trợ giúp pháp lý; trình tự thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, các giấy tờ chứng minh đối tượng trợ giúp pháp lý; vai trò của trợ giúp viên trong hoạt động trợ giúp pháp lý; thông tin về địa chỉ tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn.

Cùng với đó, tổ chức 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật trợ giúp pháp lý tại 10 xã ở Hướng Hóa với hơn 500 người tham gia, bao gồm các đối tượng người có uy tín trong cộng đồng như: bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư thôn, công an viên thôn, chi hội trưởng các hội, đoàn thể ở thôn, bí thư Đoàn Thanh niên, già làng, người có uy tín trong cộng đồng...

Nội dung tập huấn chủ yếu triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí như: vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý...  và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng nắm bắt thông tin và hướng dẫn khi có đối tượng có yêu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí; trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có nhu cầu.

Trung tâm cũng tiến hành biên soạn và in ấn 950 sổ tay trợ giúp pháp lý; biên soạn, in ấn và phát hành 2.200 tờ gấp pháp luật và tài liệu với nội dung truyền thông các quy định về trợ giúp pháp lý, 500 bộ tài liệu với nội dung truyền thông các quy định về trợ giúp pháp lý.

Xuân Long và nhóm PV, BTV