Đồng Nai hiện có trên 210.000 người cao tuổi. Trong số này, có 186.500 người cao tuổi là hội viên của tổ chức hội người cao tuổi các cấp. Việc xây dựng các chương trình để chăm sóc sức khoẻ vật chất và tinh thần cho người cao tuổi luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt.

Đảm bảo đầy đủ chính sách cho người cao tuổi

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; hơn 65.000 người cao tuổi đang hưởng lương hưu; trên 65.000 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Đồng Nai cũng đang có gần 33.900 người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Luật Người cao tuổi. Trong số này, những người ở độ tuổi từ 60-80 thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng là gần 900 trường hợp.

Bên cạnh đó, còn có gần 33.000 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đang được trợ cấp xã hội hàng tháng. Đặc biệt, bình quân mỗi năm tỉnh có 26.500 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ theo quy định. 

Nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ

Là một trong những tỉnh thành có số lượng người cao tuổi thuộc hàng cao trên cả nước nên hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được Đồng Nai chú trọng. 

Để nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai đã chủ động triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tổ chức hàng trăm buổi hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi với các nội dung về tâm sinh lý, chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho bệnh viện lão khoa ở tuyến tỉnh, các địa phương cũng phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi ngay tại cơ sở như: xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi; trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày. 

Đa dạng hình thức sinh hoạt văn hóa

Một trong những loại hình sinh hoạt phổ biến nhận được nhiều sự ủng hộ dành cho người cao tuổi là các câu lạc bộ văn nghệ. Hiện 934 ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh xây dựng được loại hình này. 

Như tại ấp Quới Thạnh (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch), câu lạc bộ người cao tuổi không chỉ có ca múa, sinh hoạt thơ hay tập dưỡng sinh, chơi cờ tướng, mà còn lấn sân sang diễn tiểu phẩm. Sinh hoạt văn hóa văn nghệ được các thành viên của hội người cao tuổi lồng ghép với nội dung tuyên truyền về các vấn đề xã hội quan trọng của thôn, xã, góp phần tạo nên các kênh tuyên truyền trực quan, sinh động, dễ đi vào lòng dân thay vì đọc báo cáo như những hội nghị thường thấy.

người cao tuổi.jpg
Giúp người cao tuổi sống vui, sống khoẻ là mục tiêu nhiều địa phương đặt ra.

Cùng với các câu lạc bộ văn nghệ, thơ ca…, những CLB thể thao với loại hình tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của người cao tuổi cũng diễn ra sôi động. Như hoạt động đạp xe thể dục mỗi sáng được các thành viên hội người cao tuổi xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom duy trì nhiều năm qua. Ngoài các môn thể thao mang tính chất vận động, nhiều câu lạc bộ mang tính chất trí tuệ, cần sự tập trung hơn là cờ tướng, cờ vua cũng thu hút người cao tuổi tập luyện, dự giải thi đấu.

H.An, Lê Diệp, Hoàng Giang