Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại địa phương, UBND xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum chủ trương "trao cần câu - không trao cá”. UBND xã tập trung nghiên cứu, đưa ra nhiều đòn bẩy khác nhau, tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương.

Từ lâu, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum được biết đến là vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây). Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật chăm sóc là hai trở ngại lớn nhất đối với đồng bào trong việc phát triển “cây nhà giàu” thu nhập cao.

Nắm bắt nhu cầu của người dân, UBND xã Đăk Plô đã nhanh chóng triển khai mô hình trồng hồng đẳng sâm và sâm dây đến từng hộ gia đình.

anh man hinh 2024 03 07 luc 202144.png
Các hộ dân ở xã Đăk Plô tham gia mô hình phát triển sinh kế trồng mới hồng đẳng sâm diện tích 45ha. 

Tính đến nay, 208 hộ của xã Đăk Plô được tham gia mô hình phát triển sinh kế trồng mới hồng đẳng sâm với diện tích 45ha; 80 hộ (trong đó có 5 hộ nghèo) tham gia trồng 6ha sâm dây. Tổng số lượng sâm thu hoạch năm 2022 đạt 700kg, thu nhập của các thành viên tham gia mô hình đạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm.

Không chỉ tập trung ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế, đồng bào ở Đăk Plô còn được trao rất nhiều sinh kế khác, đầu tư máy móc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến các mô hình Nuôi trâu sinh sản, mô hình Trồng cây mít thái, thí điểm mô hình Trồng bắp tại thôn Đăk Book, mô hình Nuôi ong lấy mật…

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã triển khai mô hình chăn nuôi trâu giống sinh sản với tổng kinh phí 330 triệu đồng, đến nay đã thực hiện xong công tác đấu thầu, đang thực hiện các bước tiếp theo; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn với tổng kinh phí 16,5 triệu đồng, thực hiện được 50%, ước đến tháng 12 sẽ thực hiện hoàn thành 100%.

Dự án hỗ trợ việc làm bền vững có tổng kinh phí 33 triệu đồng, đang thực hiện 50%, ước đến tháng 12 sẽ thực hiện đạt 100%.

Đối với Dự án mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua sắm máy cắt cỏ, máy tuốt lúa có kinh phí 260 triệu đồng, đang trình cơ quan chuyên môn thẩm định, chuẩn bị tổ chức đấu thầu.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, trồng sâm dây có tổng kinh phí 208 triệu đồng, đến nay đã trình cơ quan chuyên môn thẩm định, đang thực hiện quy trình đấu thầu, ước thực hiện đến tháng 12/2023 giải ngân 100%.

Đại diện UBND xã Đăk Plô cho biết, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết hàng đầu của UBND xã đề ra trong suốt nhiệm kỳ qua.

Nhờ có các nguồn lực, nhất là nguồn vốn của Tiểu dự án 2, Dự án 3 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thay đổi diện mạo thôn bản, đời sống của nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt về cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu như năm 2021, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,5 triệu đồng/ năm thì năm 2023 đã tăng lên gần 35 triệu đồng/ năm.

Khánh Vy