Nhiều lần trên đường đón con đi học trở về, anh Lê Trọng Huấn (công chức sống tại phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) luôn nhận được những câu hỏi: Sao nước sông đen ngòm và thối thế bố? Sao họ lại mang giường với ghế sofa hỏng ra đây vứt hả bố? Sao mấy cô lao công kia lại đốt lá cây khói mù mịt làm cay cả mắt con?…
Những đứa trẻ con anh Huấn được học cách bảo vệ môi trường trên lớp, nhưng về nhà và trong cuộc sống thường nhật lại chẳng áp dụng được bao nhiêu. Chủ trương phân loại rác tại nguồn cũng được anh Huấn hết sức quan tâm khi vấn đề về bảo vệ môi trường đang thực sự cấp thiết, tuy nhiên việc làm này cần thực hiện nghiêm túc và bền bỉ, bắt đầu từ chính các em nhỏ và từ các hộ gia đình.
Cách người Nhật phân loại, thu gom và đổ rác…
“Hôm trước đang ngồi lướt TikTok, con gái tôi thấy 1 video cách người Nhật đổ dầu mỡ thừa sau khi chiên rán rất khoa học. Cụ thể, người Nhật có một loại bột làm đông cứng dầu ăn thừa, giúp nó đóng bánh để người dân có thể bỏ nó vào thùng rác. Nó quay sang hỏi tôi, “sao bố toàn đổ thẳng vào túi giấy bóng kín rồi vứt chung vào thùng rác thế”? Biết bản thân rơi vào thế bí, tôi liền lên mạng search một loạt cách phân loại và vứt rác của người Nhật cho con xem và nói chuyện với con về trình độ phân loại và cách xử lý rác thải của họ”, anh Huấn tâm sự.
Cũng theo anh Huấn: “Nhìn cách người Nhật muốn vứt bất cứ thứ rác thải nào đều phải phân loại, phải sơ chế, phải đóng gói cẩn thận mới được công ty môi trường thu gom, con gái tôi ồ lên kinh ngạc. Ví dụ, muốn vứt 1 chai nhựa sau khi uống nước, người Nhật phải bóc nhãn chai để riêng, nắp chai để riêng. Đi đổ rác cũng phải theo ngày cho từng loại rác thải khác nhau, chứ không phải thích đổ loại nào thì đổ. Tuyệt đối không được trộn lẫn các loại rác thải vào với nhau như ở Việt Nam bởi sẽ bị phạt rất nặng. Đặc biệt, những kinh nghiệm như cho bột đông kết vào dầu chiên thừa đóng thành bánh, rồi bọc lại cẩn thận mới được vứt vào thùng rác thay vì đổ thẳng xuống cống như ở Việt Nam khiến con tôi cứ khen mãi, sao họ văn minh thế”.
Quay lại thực tế ở Việt Nam, dù Luật bảo vệ môi trường 2020 đã đi vào cuộc sống được gần 4 năm với quy định, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phải được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (kính/thủy tinh; phế thải xây dựng; chất thải nhựa; gỗ; đồ điện tử…); Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, thực phẩm hỏng…); Chất thải rắn sinh hoạt khác, có thể là rác còn lại, rác nguy hại (kim tiêm, dao cạo râu, pin đã qua sử dụng hay rác cồng kềnh như tủ quần áo, ghế sofa… đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, vì nhiều lí do mà trong hơn chục năm qua rất nhiều lần TP Hà Nội, Hưng Yên và một số địa phương triển khai phân loại rác tại nguồn đều thất bại. Nguyên do thì nhiều nhưng thiếu nguồn lực triển khai, thiếu sự quyết tâm và kiên trì được coi là lí do dẫn đến các phong trào chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu rồi sau đó rơi vào… quên lãng.
Chúng ta cũng phải học lại cách… đổ rác "đúng cách"
Lược dòng thời gian, chúng ta từng nhiều lần thí điểm phân loại rác tại nguồn như Dự án 3R-HN được JICA tài trợ áp dụng thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trong giai đoạn 2006 – 2010 đã cho kết quả bước đầu. Tuy nhiên, sau đó phong trào lại chìm dần rồi rơi vào bế tắc bởi nhiều lí do.
Sau đó vài năm, TP Hà Nội và tỉnh Hưng yên tiếp tục thí điểm phân loại - thu gom - xử lý rác thải theo mô hình của Dự án PLRTN. Theo đó, rác thải sẽ được người dân phân loại tại nhà thành 2 nhóm: có thể tái chế và rác còn lại. Công ty vệ sinh môi trường Urenco sẽ thực hiện thu gom thông qua 3 hình thức: thu hàng ngày, thu qua app di động mGreen và thu định kỳ vào sáng thứ 7 hàng tuần. Sự hỗ trợ của công nghệ là app di động giúp kết lối các chủ nguồn thải và người thu gom. Thậm chí, với các loại rác thải độc hại như pin đã qua sử dụng, đồ điện tử (ti vi, máy tính hỏng…) còn được thu gom bằng hình thức mua bán, cho tặng hoặc tích điểm và đổi quà, tùy thuộc vào nhu cầu của người dân.
Thế rồi, phong trào lại tiếp tục chìm dần để lại nhiều tiếc nuối và những bài học… đắt đắng. Mới đây nhất hồi tháng 8/2020, Hà Nội tiếp tục tái khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Lần này, TP Hà Nội làm điểm tại 3 phường: Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Lý Thái Tổ sau đó sẽ mở rộng ra cả 18 phường của địa bàn quận Hoàn Kiếm nếu các chỉ tiêu thí điểm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, giống như những lần trước đó, sau những lễ phát động rầm rộ qua đi, người dân lại trở về thói quen vứt rác như cũ khi có quá nhiều lí do “bất tiện” không thể vượt qua trong quá trình phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải ra khỏi khu dân cư.
Tính đến nay (tháng 12/2023), Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022 cũng không phát huy được tác dụng. Rác thải ngày một nhiều và không được phân loại biến vấn đề ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước, rác thải…) của TP Hà Nội ngày càng trầm trọng. “Với người dân, cần học lại cách đổ rác, phân lại rác một cách khoa học, nghiêm túc và kiên trì. Với chính quyền, sau những thất bại cần có đề án tổng thể để triển khai đồng bộ. Có như vậy vấn đề rác thải của Thủ đô mới được giải quyết thay vì trở thành nỗi bức xúc trong nhân dân như hiện nay”, anh Huấn trăn trở nói.