Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo 3 hướng đột phá chiến lược, bảo đảm duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế, làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chú trọng đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước hết, thành phố thực hiện tốt bước đột phá về phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch. Theo đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng bình quân 4,7%/năm, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Dịch vụ du lịch được thành phố xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư phát triển thành thương hiệu và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo 3 hướng đột phá chiến lược. Ảnh Bích Hạnh |
Thành phố có sự đột phá về thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, chủ động cụ thể hóa Nghị định số 04/2018/NĐ-CP, ngày 4-1-2018, của Chính phủ, "Về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; ban hành các quy định, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ", tạo cơ sở để thành phố đầu tư hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, đưa vào hoạt động Khu Công nghệ thông tin (giai đoạn 1), tiếp tục khởi công Khu Công viên phần mềm số 2. Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, theo ước tính, giá trị gia tăng ngành công nghiệp của thành phố tăng bình quân 3%/năm.
Nông nghiệp cũng được thành phố chú trọng đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phục vụ du lịch và bảo đảm môi trường đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thành phố triển khai tích cực ở vùng ngoại ô (chủ yếu ở huyện Hòa Vang), tạo chuyển biến mạnh, làm thay đổi về chất kinh tế nông thôn. Đến nay, thành phố đã có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 12 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ theo hướng đô thị và sinh thái.
Đột phá thứ hai về xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được thành phố triển khai đồng bộ, có trọng điểm. Thành ủy ban hành Kết luận số 171-KL/TU, ngày 23-4-2018, "Về các dự án mang tính động lực, trọng điểm; dự kiến lộ trình triển khai và các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư". Trên cơ sở này, nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được nâng cấp và cải thiện, nhiều thiết chế xã hội được quan tâm đầu tư, làm cho diện mạo đô thị có bước phát triển mới.
Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, một nội dung quan trọng trong đột phá thứ hai, được thành phố triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Các dự án trọng điểm về môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được ưu tiên triển khai, như: Dự án cấp nước khu vực đô thị, khu vực nông thôn, dự án thu gom chất thải rắn... Đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn năm 2015 - 2020 đạt 43.481 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là 37.130 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) là 6.351 tỷ đồng.
Đột phá thứ ba về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, tạo nên sự chuyển biến về chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong tình hình mới. Mạng lưới trường học trên địa bàn được chú trọng quy hoạch theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa, có cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học, số lượng người học...
Các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ công tác dạy nghề được các cấp, các ngành trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả. Tính đến năm 2020, thành phố có 70 cơ sở giáo dục - đào tạo nghề; quy mô đào tạo nghề vượt kế hoạch với 57.000 lao động được đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55%; có 80% lao động học nghề khi ra trường được giới thiệu và giải quyết việc làm. Đây là thành quả của chính sách thành phố luôn tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển cơ sở dạy nghề, dạy nghề theo địa chỉ, bảo đảm chất lượng.
Nhờ triển khai thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong năm 2020, thành phố đã tạo ra sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn.
Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,5%/năm, với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2019 khoảng 110.792 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019, đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội thành phố, GRDP năm 2020 ước giảm 9,3% so với năm 2019, kéo giảm GRDP giai đoạn 2015 - 2020 còn 4%/năm, GRDP bình quân đầu người còn khoảng 87,4 triệu đồng/năm.
Thúy Tình