Từ ngày 23-24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Jakarta của Indonesia.

Chuyến công du của Thủ tướng nhằm khẳng định ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức mới nổi lên, qua đó, tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.

{keywords}
Năm nay, hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Gia nhập ASEAN từ ngày 28/7/1995, Việt Nam đã và đang có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, trong năm 2020, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng khi phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN vượt qua khó khăn thách thức của đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc tế.

Đối mặt với đại dịch chưa từng có, Việt Nam cùng ASEAN đã có những bước đi phù hợp, hiệu quả. Trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch (tháng 3/2020), Việt Nam với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch COVID-19 (14/2/2020), sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp của ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… Nhờ đó, WHO đã nhận được nhiều cam kết đóng góp tài chính cho nỗ lực chung chống đại dịch. Cụ thể, Hoa Kỳ đã hỗ trợ 87 triệu USD, Nhật Bản hỗ trợ hơn 1 triệu USD, Trung Quốc hỗ trợ hơn 1 triệu USD và EU hỗ trợ 800 triệu euro.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra vào tháng 11/2020, các nhà lãnh đạo đã thông qua nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh, đưa vào triển khai Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN, Trung tâm Y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

[Việt Nam chú trọng thực hiện ưu tiên và chủ đề của năm ASEAN 2021] ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia.

Đại dịch cũng trở thành một yếu tố khiến các thành viên ASEAN đẩy nhanh việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và thông qua chứng nhận xuất xứ điện tử để khắc phục tình trạng gián đoạn thương mại do đại dịch COVID-19.

Nghị định thư đầu tiên về sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào tháng 9/2020 chấp nhận chữ ký/con dấu điện tử. Tháng 11/2020, Hệ thống Quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) liên quan đến Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được ra mắt. Theo đó, các thương nhân có thể tiến hành vận chuyển qua các nước thành viên ASEAN tham gia hệ thống này chỉ với một xe tải, một tờ khai hải quan và một giấy bảo lãnh của ngân hàng.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 là một phép thử quan trọng về khả năng phục hồi của ASEAN và khả năng dẫn dắt của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã diễn ra một cách sôi động thay vì trầm lắng như những quan ngại ban đầu khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Văn Lợi