Phá băng

Nhà ở xã hội có tiêu chuẩn không kém gì nhà thương mại, thậm chí có chủ đầu tư còn nhấn thêm chi tiết dát vàng, trong khi giá không quá 17-18 triệu đồng/m2. 

Từ đầu năm tới nay, nhà ở xã hội là phân khúc mà nhiều chủ đầu tư lớn quan tâm với cam kết mạnh mẽ về nguồn cung. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội chuẩn bị được đầu tư hoặc mở bán.

Nguồn cung dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới khi các đại gia lớn như Vinhomes, Novaland, Him Lam, Sun Group, Bitexco, Hưng Thịnh công bố sẽ triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn lên tới hàng triệu căn nhà ở xã hội.

Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, theo kế hoạch DN sẽ hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, giá bán dự kiến khoảng 300-950 triệu đồng/căn.

Nguồn cung căn hộ xã hội theo công bố của các chủ đầu tư (Biểu đồ: D.Anh)

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm Group, khẳng định, khi tham gia làm nhà phân khúc này, các DN muốn đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng thông qua việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị, nhà ở cho công nhân với tổng quy mô 156.000 căn, tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Trên cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với khoảng 455.000 căn, diện tích ước tính 22,718 triệu m2.

Tuy nhiên, vẫn còn quá chậm so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 sàn. Dự báo giai đoạn 2021-2025 nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước cần khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Số lượng dự án nhà ở xã hội (Biểu đồ: D.Anh)

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, trong hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021, nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Gần như không có dự án nhà ở xã hội nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.

Thời gian qua, kết quả xây dựng nhà ở xã hội còn thấp là do lợi nhuận thấp, nhất là sau khi gói hồ trợ cho vay 30.000 tỷ đồng kết thúc. Phần lớn các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án nhà ở thương mại theo giá thị trường, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, phân khúc này lại nhận được sự quan tâm lớn của thị trường. Giai đoạn 2008-2013, loạt dự án nhà ở xã hội đã "cháy hàng”. Việc loạt DN bất động sản lớn tuyên bố sẽ vào làm phân khúc nhà ở xã hội kỳ vọng giải cơn khát nguồn cung, tạo niềm tin cho thị trường phát triển bền vững.

Cần một quy trình rút gọn

Để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới khả thi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng, DN dù có tâm huyết và mong muốn tham gia vào phân khúc này cũng gặp rất nhiều khó khăn vì vướng các quy định, thủ tục như: Thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục đầu tư dự án kéo dài.

Giá nhà cao khiến người nghèo khó mua được nhà 

Mặt khác, từ góc độ người mua, cũng có rất nhiều quy định và điều kiện đi kèm khiến người có nhu cầu thực khó tiếp cận với nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Những trở ngại này làm khó cả DN và người có thu nhập thấp đang "khát" nơi an cư cho gia đình.

HoREA vừa kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức: hoặc dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội trong dự án; hoặc hoán đổi quota 20% quỹ đất hoặc nhà ở này bằng số lượng nhà ở xã hội tương đương.

Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung cho biết, một trong những bài toán lớn nhất của nhà ở xã hội là làm thế nào để cơ quan Nhà nước và DN cùng đồng hành để có những giải pháp toàn diện, tạo điều kiện để có được nguồn cung nhà ở cho mọi người.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành đề xuất, chính quyền các địa phương cần có quy trình riêng đối với những dự án này, làm sao rút ngắn quy trình phê duyệt pháp lý dự án.

Kinh nghiệm đầu tư bất động sản nhiều năm trên thị trường cho thấy, các đại gia không khó xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, giữa nói và làm của các đại gia này còn phải chờ vào thực tế chứng minh.