LTS: Công tác cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Như Bác Hồ từng chỉ ra “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài xoay quanh vấn đề được rất nhiều người quan tâm này.

Xem lại Bài 1: Đảng viên trừ, đảng viên sạch và chuyện ‘thà ít mà tốt’

Xem lại Bài 2: Ông vua con, ‘ông chống lưng’ thời @

Xem lại Bài 3: Có thứ đáng bỏ tù không kém… quan chức biến chất

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Không biết câu thành ngữ đó có tự bao giờ nhưng đến nay lại bỗng trở thành một điều trăn trở, đáng suy ngẫm. Nhất là khi cách đây chưa lâu Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08- QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên bộ chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương, những cán bộ cao cấp nhất trong bộ máy lãnh đạo hệ thống chính trị, quyết định sự tồn vong của Đảng, đất nước.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, một câu nói dung dị thôi nhưng toát lên thật nhiều điều lớn lao. Thứ nhất, đã là đảng viên thì mọi điều phải đi trước quần chúng, gánh vác những gì khó khăn vất vả nhất và cũng là người dẫn đường chỉ lối cho quần chúng đi theo.

Thứ hai, nó thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào những cán bộ, đảng viên lãnh đạo trong mọi công việc, việc gì họ làm thì cứ thế quần chúng làm theo, không phải băn khoăn, suy nghĩ.

Đó chính là cách hiểu đơn giản nhất về sự nêu gương mà ngày nay chúng ta đã phải nhắc nhở rất nhiều, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống như đã được thẳng thắn chỉ ra trong các nghị quyết.

Sự phấn đấu hy sinh, tính tiền phong gương mẫu vốn là sức mạnh của Đảng, nguồn cội của mọi thành công qua quá trình cách mạng gần một thế kỷ. Cần nhắc lại như vậy để thấy hết ý nghĩa to lớn của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Như một nhà giáo dục người Nga đã nói: nêu gương chính là phương pháp giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất.

Một hành vi ứng xử thể hiện sự tận tâm trong công vụ, một cử chỉ bình dị giữa đời thường của người đảng viên, của người lãnh đạo có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn mọi thứ giáo lý được tụng truyền trong sách vở.

Ngược lại, một hành vi bất cẩn, một cử chỉ dẫu chỉ là “vô duyên” trước công chúng cũng có thể gây ra những mất mát không nhỏ cho cá nhân và cho cả tập thể. Các cụ nói “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” là như vậy.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được rằng hành vi của mình không chỉ mang tính chất cá nhân. Nó còn là hình ảnh của một đội ngũ tiên tiến nhất có trọng trách lãnh đạo đất nước, là hình ảnh của công quyền và của một nền công vụ mà sự tin cậy của mọi người bắt đầu từ sự tận tâm, liêm chính của những người lãnh đạo.

Đảng viên nhất là những người đứng đầu không chỉ cần làm tròn bổn phận như một công chức, một công dân bình thường mà còn phải thể hiện tính tiền phong, gương mẫu lo trước cái lo của quần chúng, vui sau cái vui của quần chúng. 

{keywords}
Cán bộ, đảng viên có thể điềm nhiên khoe biệt phủ, siêu xe khi người dân cofnn nghèo khó không? Ảnh minh họa

Một người anh tôi hằng kính trọng, từng làm lãnh đạo một ban Đảng nay nghỉ hưu đã chia sẻ tâm trạng trên trang cá nhân với những điều rất đáng suy nghĩ: “Thế nào là nêu gương? Nêu gương rộng lắm. Nhưng có thể là thế này, anh có tiêu chuẩn nào đó nhưng không thụ hưởng hoặc hưởng thấp hơn tiêu chuẩn. Ví dụ có tiêu chuẩn đón ở cầu thang máy bay nhưng vẫn đi vào sân bay như các hành khách khác. Thế mới là nêu gương. Nhưng hiện tại chỉ cần các Sếp làm đúng tiêu chuẩn thì dân đã kính trọng rồi”.

Thật thấm thía biết bao, và cũng thật đáng suy nghĩ khi mà trong xã hội hiện nay, người dân chỉ dám mong người cán bộ, đảng viên sống sao tròn bổn phận chứ chưa dám mong họ trở thành những tấm gương.

Nêu gương đòi hỏi hơn thế rất nhiều, đó là sự hy sinh, sự nhường nhịn, sự gắn bó máu thịt và lo lắng cho đồng bào mình.

Một người bình thường có thể tự thưởng cho mình những bữa ăn ngon bạc triệu, một doanh nhân có mua cho mình một chiếc siêu xe bạc tỷ sau những tháng ngày lăn lộn làm ăn vất vả. Nhưng người cán bộ, đảng viên nhất là những người lãnh đạo không thể khoe khoang những bữa tiệc xa xỉ trong khi đồng bào mình còn nhiều nơi thiếu đói, không thể hãnh diện sống trong những tòa biệt thự nguy nga với những món đồ của vua chúa khi còn những người dân cầu bất, cầu bơ.

Sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật” phải là điều cấm kỵ với cán bộ, đảng viên chân chính. Vào đảng không phải là để “vinh thân phì gia”, không phải là để làm những “ông quan cách mạng” như Bác Hồ đã từng răn dạy.

Chính vì vậy, sự gương mẫu của cán bộ thể hiện ở tinh thần “hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân… lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Đó là những chuẩn mực cao nhất, là sự cam kết của mỗi cán bộ đảng viên trước Đảng, trước chính mình và trước nhân dân. Để đến một ngày chúng ta lại có thể nói: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà không còn một chút băn khoăn, trăn trở.

TS. Đinh Văn Minh

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra