Ông trùm bất động sản từng vướng vào vụ lùm xùm kiện cáo về chung cư với 1 ngôi sao vừa xếp ái nữ 9x làm chủ doanh nghiệp địa ốc ngàn tỷ.

Thông tin đăng ký doanh nghiệp cho biết, bà Trần Khuê Giao (sinh năm 1995) vừa được bổ nhiệm nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản C.T (CT Land) có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp hạt nhân trong mảng kinh doanh bất động sản của C.T Group.

Nữ doanh nhân 23 tuổi này là con ông Trần Kim Chung (52 tuổi) - Chủ tịch của CT Group và là thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (tiền thân là Navibank, mã chứng khoán NVB), nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Trần Kim Chung còn là phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM. 

{keywords}
 

Không chỉ đứng đầu doanh nghiệp 4.000 tỷ, bà Trần Khuê Giao còn là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần CTUOB (vốn hơn 600 tỷ đồng) và CTCP Quốc tế C&T, một công ty con của C.T Group và là giám đốc Công ty CTSB.

CTLand là doanh nghiệp đắc lực của CTGroup trong việc đang phát triển các mảng bất động sản gồm: nhà ở, bán lẻ, hậu cần và du lịch với nhiều thương hiệu sang trọng như Léman Luxury Apartment, C.T Plaza, I-Home, Bee Home, SS1 - Mega Mall, RomeA, siêu thị Bon Grocer, chuỗi siêu thị Auchan, bất động sản hậu cần C.T Sóng Thần, khu nghỉ dưỡng Léman Cap Resort & Spa Vũng Tàu, Resort Léman Tree tại Nha Trang, Léman Bay ở vịnh Cam Ranh…

Trong đó, Léman Luxury Apartment là một dự án nổi tiếng và từng dính lùm xùm hồi đầu 2016 với vụ căn hộ penthouse triệu đô bị cáo buộc chậm giao nhà theo đúng tiến độ.

CTGroup là một tập đoàn đa ngành thành lập từ 1992 với khá nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Doanh nghiệp này từng được báo Wall Street Journal của Hoa Kỳ nhìn nhận là "Móng vuốt của con rồng Việt Nam".

Ngân hàng Quốc dân (NCB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) và trước đó nữa là Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên. Ngân hàng TMCP Nam Việt đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân từ 22/1/2014 sau khi ông trùm bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm rút lui.

Trong thời gian gần đây, nhờ sự sôi động của thị trường địa ốc, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng trong và ngoài sàn có kết quả kinh doanh rất tốt. Hàng loạt các cổ phiếu bất động sản tăng giá lên mức cao kỷ lục như Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, Đất Xanh (DXG) của đại gia Lương Trí Thìn, Novaland (NVL) của Bùi Thành Nhơn…

Thị trường chứng khoán sôi động cũng góp phần cho các doanh nghiệp địa ốc và ngân hàng hoạt động tốt hơn, thu hút vốn và mở rộng quy mô nhanh chóng hơn. 

Cổ phiếu bất động sản mặt bằng thương mại VRE của ông Phạm Nhật Vượng tăng trần lên 54.900 đồng/cp, VIC cũng của ông Vượng tăng 4,8% lên 98.500 đồng/cp…Trong phiên giao dịch vừa qua, hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản đã tăng vọt. Giúp VN-Index vượt lên trên ngưỡng 1.120 điểm và hướng dần tới đỉnh cao lịch sử 1.170 điểm ghi nhận hồi năm 2007.

Cũng trong phiên này, một ông lớn nhà nước vừa IPO gần đây là PV Power (POW) đã chính thức lên sàn UPCOM. Đây là mã chứng khoán thứ 33 trên UPCOM kể từ đầu năm 2018 đến nay, giúp nâng tổng số doanh nghiệp tham gia sàn này lên 717 đơn vị, trị giá tổng cộng hơn 250 ngàn tỷ đồng. Đây là một động lực lớn giúp quy mô TTCK tăng mạnh và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư thế giới.

Giới đầu tư hiện đang kỳ vọng vào các cổ phiếu bất động sản và xây dựng quy mô tầm trung và có giá chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 6/3, VN-index tăng 26,81 điểm lên 1.120,29 điểm; HNX-Index tăng 1,82 điểm lên 127,33 điểm. Upcom-Index tăng 0,57 điểm lên 61,01 điểm. Thanh khoản đạt 300 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

V. Hà