Thị trường nước sốt, nước chấm và gia vị Việt Nam tăng trưởng mạnh, doanh thu bán lẻ đạt mức 39,9 ngàn tỷ đồng vào năm 2023, tăng 9% so với năm 2022, theo Euromonitor.
Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2028, phân khúc gia vị dự kiến sẽ tăng trưởng với mức tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11% trên cơ sở giá trị hiện tại và đạt 65,8 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD).
Cũng theo Euromonitor, Tập đoàn Masan tiếp tục là công ty thiết lập xu hướng và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với 30% thị phần nhờ sở hữu các thương hiệu lớn cũng như phát triển sản phẩm mới. Trong danh mục nước mắm, Masan chiếm 70% thị phần. Trong lĩnh vực nước tương và tương ớt, Masan cũng chiếm lần lượt hơn 60% và 50%.
Tuy nhiên, có một doanh nghiệp trong lĩnh vực này bứt phá mạnh mẽ và có tham vọng rất lớn, với tầm nhìn 20 năm.
Cổ phiếu có thị giá số 2 Việt Nam
Trong vài tuần gần đây, giới đầu tư chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu CMF của CTCP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food). Trong phiên giao dịch ngày 26/6, CMF bất ngờ tăng thêm 15%, tương đương mức tăng 32.900 đồng lên 252.400 đồng/cp.
Đây là một cú tăng giá hiếm có về giá trị tuyệt đối của một cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Với mức giá 252.400 đồng, CMF vươn lên số 3 về thị giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), vượt qua CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (UpCOM: HLB).
Tới 8/7, cổ phiếu CMF của Cholimex Food lên mức 262.000 đồng/cp, vượt qua cả VE4 của CTCP Xây dựng điện VNECO4 (HNX).
Như vậy, CMF hiện có thị giá đứng số 2 Việt Nam, chỉ xếp sau ông lớn công nghệ Công ty cổ phần VNG (UpCOM: VNZ) của ông Lê Hồng Minh. VNZ kết thúc phiên 8/7 có thị giá 570.000 đồng/cp.
Sở dĩ CMF của Cholimex Food có thị giá rất cao và vẫn tiếp tục xu hướng đi lên với thanh khoản rất thấp là bởi doanh nghiệp này có cổ phiếu cô đặc, tổng cộng có 8,1 triệu đơn vị và 3 cổ đông lớn nắm tới 92,55% vốn cổ phần. Bên cạnh đó, CMF có hoạt động kinh doanh tốt, doanh thu và lợi nhuận tăng đều, trả cổ tức cao đều đặn.
Cholimex tham gia vào thị trường tương ớt từ những năm cuối thập niên 80 và hiện có các sản phẩm chính là nước tương, tương ớt, nước mắm... Đây là một trong những công ty dẫn đầu ngành cùng với Masan, Trung Thành, Nosafood... và cũng phân phối vào các kênh phổ biến như Metro, Co.op Mart, BigC.
Triển vọng ra sao?
Một trong những điểm nổi bật của Cholimex Food là vị thế hàng đầu trong việc cung cấp gia vị cho các nhãn hàng lớn như Haidilao, Pizza Hut, Popeyes, Domino’s Pizza, Jollibee... Đây là các chuỗi nhà hàng ăn nhanh đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Philippines...
Xét về cơ cấu cổ đông, CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) nắm 40,72% cổ phần Cholimex Food, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan nắm 32,83% và Nichirei Foods Inc nắm 19% cổ phần.
Vào năm 2014, ông lớn tiêu dùng và bán lẻ Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã muốn gia tăng ảnh hưởng với việc gửi lời chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Food với giá 90.000 đồng/cp. Tuy nhiên, các cổ đông lớn Cholimex và Nichirei Food chưa chấp thuận. Hiện Masan vẫn là một trong các cổ đông lớn của CMF.
Năm 2023, Cholimex Food ghi nhận 14 năm tăng trưởng doanh thu liên tục lên mức 3.410 tỷ đồng (tăng 5,9% so với năm 2022) cho dù kinh tế toàn cầu gặp khó và sức cầu tiêu dùng trong nước khá thấp. Lợi nhuận của CMF hai năm gần đây đều trên mức 200 tỷ đồng/năm.
CMF đặt kế hoạch 3.850 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024.
Về dài hạn, doanh nghiệp của Chủ tịch Huỳnh An Trung và Tổng giám đốc Diệp Nam Hải có tham vọng khá lớn, với kỳ vọng doanh thu sẽ gấp 5 lần so với hiện tại trong 5 năm nữa. Trước mắt, CMF hướng tới mức doanh thu 10.000 tỷ đồng, có nguồn thu đến từ dòng thực phẩm đông lạnh của nhà máy mới sản xuất. Đây là dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 (Bến Lức, Long An) với tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, CMF cũng được hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng gia vị. Người dân hiện sử dụng nhiều các gói sản phẩm gia vị như xốt, ướp tiện lợi hơn. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang hàng chục nước trên thế giới trong đó có châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, Cholimex Food cũng chịu sự cạnh tranh rất mạnh đến từ các ông lớn Masan Group, Trung Thành, Nosafood... Gần đây, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang mở rộng mạnh quy mô thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu thông qua chiến lược “Go Global - mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới”. Nếu các doanh nghiệp trong ngành khác không đẩy nhanh tốc độ phát triển thì có thể bị tụt lại phía sau.