CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố thông tin cổ đông nội bộ bà Hà Tiểu Anh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán của Coteccons đăng ký bán ra 558.510 cổ phiếu CTD trong khoảng thời gian 26/6-25/7 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Nếu bán thành công, bà Hà Tiểu Anh có thể thu về khoảng 40 tỷ đồng và chỉ còn nắm giữ 60 ngàn cổ phiếu CTD.
Cổ đông nội bộ quan trọng của Coteccons đăng ký bán ra trong bối cảnh xung đột lợi ích tại doanh nghiệp xây dựng giữa nhóm cổ đông trong nước đại diện là chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhóm cổ đông nước ngoài đại diện là Kusto và The8th lên cao điểm. Nhóm cổ đông ngoại yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương và tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công từ chức.
Tuy nhiên, căng thẳng dường như được giải quyết sau khi Coteccons thông báo về việc thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo với việc Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT.
Coteccons bổ nhiệm ông Bolat Duisenov và ông Herwig Van Hove làm thành viên HĐQT tạm thời thay thế ông Công và ông Thắng. Đây là nhân sự từ 2 cổ đông ngoại lớn Kusto và The 8th.
Cổ phiếu CTD của Coteccons cũng vừa ghi nhận 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp sau thông tin xung đột nội bộ lắng dịu. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn do nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm khoảng 50% cổ phần tại doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam này, trong khi đó nhóm của ông Nguyễn Bá Dương nắm tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch Coteccons. |
Coteccons được thành lập và phát triển bởi ông Nguyễn Bá Dương và đã ghi nhận được những thành tích nổi bật trên thị trường xây dựng Việt Nam.
Dù vậy, gần đây Coteccons có xu hướng tăng trưởng chậm lại, trong khi các đối thủ phát triển rất nhanh, trong đó có Ricons. Ricons lại được biết đến như một doanh nghiệp được thành lập bởi những người có liên quan tới Coteccons và được cho là có thể gây ra xung đột lợi ích.
Trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, BKS của Coteccons cho rằng BĐH Coteccons vi phạm trách nhiệm trung thực và tránh xung đột lợi ích của người quản lý doanh nghiệp. BKS cáo buộc một số quản lý cao cấp của Coteccons và người có liên quan của họ nắm giữ quyền sở hữu đáng kể tại các công ty khác là đối thủ cạnh tranh của Coteccons hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh với Coteccons hoặc các ngành nghề kinh doanh liên quan.
Cụ thể, theo BKS Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương, hiện đang là chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Coteccons và đông thời là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, trước đây là CTCP Đầu tư Xây dựng địa ốc F.D.C với tỷ lệ sở hữu là 49%.
Bà Huỳnh Thị Tuyết, vợ ông Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập của CTCP BM Windows (BM Windows) với tỷ lệ sở hữu là 60%. Ông Nguyễn Minh Hoàng, con ông Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập Công ty TNHH HOHO DÉCOR (Boho) được thành lập ngày 5/8/2019 với tỷ lệ góp vốn 40%.
Ông Nguyễn Xuân Đạo, em của ông Nguyễn Bá Dương, tham gia vào một số công ty như: cổ đông sáng lập Newtecons (34%), cổ đông sáng lập BM Windows (10%), cổ đông sáng lập CTCP Vật liệu và Giải pháp Sol, với tỷ lệ sở hữu 29,9%...
Ông Trần Quang Quân hiện là phó TGĐ Coteccons có giữ các lợi ích liên quan trong nhiều công ty: cổ đông sáng lập Newtecons (17%), chủ tịch HĐQT Ricons, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Coteccons. Ông Ngô Thanh Phong, hiện là Chánh văn phòng Coteccons, là cổ đông sáng lập của BM Windows với tỷ lệ sở hữu 10%...
Cũng theo văn bản, ông Nguyễn Sỹ Công, thành viên HĐQT và TGĐ Coteccons nắm giữ 0,8% Ricons; ông Trần Quang Quân nắm giữ 8,2% Ricons; bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ ông Dương) nắm gữi 15,4% Ricons (tại thời điểm 2015)…
Trong vài năm gần đây, mâu thuẫn nội bộ Coteccons lên cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi giá cổ phiếu giảm mạnh và khiến vốn hóa bốc hơi khoảng 10 ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 24/6, chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Vn-Index quanh ngưỡng 870 điểm. Đa số các cổ phếu blue-chips tăng điểm trở lại. Cổ phiếu Coteccons (CTD) tăng mạnh sau khi tăng trần 2 liên tiếp.
Theo Rồng Việt, nhịp phục hồi đang có những dấu hiệu suy yếu. Dòng tiền đang tìm đến những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong quý II khi mùa công bố báo cáo tài chính đang đến gần. Sau giai đoạn tăng kéo dài, rủi ro trong ngắn hạn vẫn ở mức cao khi áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu. Nhà đầu tư hạn chế duy trì danh mục có tỷ lệ cổ phiếu quá cao trong giai đoạn này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/6, VN-Index giảm 3,08 điểm xuống 868,2 điểm; HNX-Index giảm 0,1 điểm xuống 114,63 điểm. Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 56,64 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 7,6 ngàn tỷ đồng.
V. Hà