TSMC là một trong các công ty bán dẫn Đài Loan bị "chảy máu chất xám" sang Trung Quốc. Ảnh: TSMC |
Trung Quốc đang tăng cường tuyển dụng nhân tài Đài Loan trong ngành bán dẫn, thu hút các lãnh đạo và kỹ sư nhằm củng cố ngành công nghiệp vốn được xem là “gót chân Asin” của nước này. Chiến lược gây lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành chip Đài Loan do không thể cạnh tranh nổi với các công ty lắm tiền nhiều của đến từ Đại lục.
Một người đàn ông trong độ tuổi 50 đã từ bỏ công việc lâu năm tại nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan một năm trước để đến Trung Quốc. Ông nói với Nikkei rằng đơn giản chỉ muốn triển khai dự án lớn hơn và nâng cao giá trị của mình với tư cách kỹ sư. Mức lương hiện tại của ông cao hơn gấp đôi trước đây. Ông chủ mới thậm chí còn đài thọ học phí cho con của ông. Do đó, ông dễ dàng quyết định nhảy việc.
Theo Business Weekly, hơn 3.000 kỹ sư bán dẫn đã rời Đài Loan đến làm việc cho các công ty Đại lục. Các nhà phân tích của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan xác nhận đây là con số chính xác. Nó tương đương 1/10 lượng kỹ sư liên quan đến nghiên cứu và phát triển bán dẫn của nước này.
Xu hướng ấy không hề mới. Richard Chang chuyển tới Trung Quốc năm 2000 sau khi nơi ông công tác bị Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) – nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - mua lại. Chang mang theo hàng trăm nhân viên và mở công ty Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) tại Thượng Hải. SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn thứ 5 thế giới và là đối thủ chính của TSMC.
Cựu Giám đốc điều hành TSMC, Chiang Shang Yi và Giám đốc phát triển, Liang Mong Song đều được đề bạt vị trí cao cấp trong các công ty Trung Quốc. Charles Kao, nổi tiếng là “bố già” của ngành DRAM Đài Loan, cũng gia nhập Tshinghua Unigroup năm 2015. Unigroup đối đầu với các công ty Đài Loan như Nanya Technology.
Tuy nhiên, tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra nhanh hơn do kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Sản xuất bán dẫn đòi hỏi cao về nguồn vốn lẫn con người. Ngay cả khi trang bị thiết bị tốt nhất thị trường, họ không thể sản xuất khối lượng lớn nếu không có kỹ thuật viên.
Một nguồn tin cho hay các doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng vượt qua rào cản bằng cách không chỉ tuyển dụng lãnh đạo cao cấp mà còn cả đội ngũ sản xuất. Họ trả lương cao hơn doanh nghiệp Đài Loan từ 2 tới 3 lần. Chủ tịch Nanya Technology, Lee Pei Ing, thừa nhận dù đang cải thiện tiền lương, rất khó để cạnh tranh với Đại lục.
Đài Loan cập nhật luật bí mật thương mại năm 2013, tăng án tù lên tối đa 10 năm nếu rò rỉ bí mật công ty ra ngoài. Dù vậy, nó không thể ngăn cản làn sóng kỹ sư bán dẫn chuyển sang Trung Quốc. Hiệu ứng của điều này có thể nhìn thấy rõ ràng: hai hãng Trung Quốc là Changxin Memory Technologies và Yangtze Memory Technologies từ năm 2020 sẽ bắt đầu sản xuất số lượng lớn memory chip, một trong các thế mạnh của Đài Loan.