Tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào sản xuất

“Kết nối” (Connection) và “Tối ưu hóa” (Optimization) là hai giá trị cốt lõi của Công nghiệp 4.0. Và để tạo ra những giá trị này cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố như sản xuất tự động, IoT, robot thông minh, kết nối chuỗi cung ứng và Big Data. Trong đó, IoT có ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành công nghiệp và góp phần tái định nghĩa lại toàn bộ chuỗi cung ứng.

Với sự tích hợp của công nghệ kỹ thuật số và điều khiển tự động, IoT có thể đảm nhiệm việc phối hợp lao động giữa người và robot, tự động hoá quy trình và các dây chuyền sản xuất linh hoạt.

{keywords}
“Kết nối” (Connection) và “Tối ưu hóa” (Optimization) là hai giá trị cốt lõi của Công nghiệp 4.0

Đặc biệt, trước nhu cầu high mix - low volume (sản phẩm đa dạng, dễ dàng tùy chỉnh độ thích ứng nhưng số lượng ít) của thị trường, các nhà sản xuất có thể ứng dụng IoT để nâng cấp quy trình sản xuất vốn đại trà và khuôn mẫu trở nên linh hoạt hơn. Có thể nói, cách tiếp cận mới trong sản xuất này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, hứa hẹn mang lại nhiều doanh thu và cơ hội phát triển trong tương lai.

Đài Loan dựng nền tảng cho tự động hoá thông minh

Trên thị trường robot cộng tác (collaborative robots) thế giới, Đài Loan là một cái tên nổi bật. Có thể kể đến Techman Robot - một doanh nghiệp chuyên về robot cộng tác và phát triển tầm nhìn công nghệ của Đài Loan đang giữ vị trí thứ 2 trên thị trường quốc tế từ năm 2018, chỉ sau công ty Universal Robots của Đan Mạch.

Robot TM12 của Techman Robot đã giành giải thưởng Taiwan Excellence lần thứ 28 và góp phần khẳng định vị thế của Đài Loan, bởi đây là robot cộng tác đầu tiên trên thế giới có “mắt”. Không chỉ có khả năng tiến hành quá trình nhận diện dựa trên hình dạng, vị trí, mã vạch mà màu sắc của vật thể, TM12 còn được trang bị hệ thống định vị thông minh dựa trên hình ảnh, phù hợp với các ngành công nghiệp có sử dụng chất bán dẫn, các khổ, tấm và CNC.

{keywords}
 TM12 của Techman Robot khẳng định vị thế của Đài Loan trong lĩnh vực robot cộng tác (collaborative robots)

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Fuji Keizai Nhật Bản, ước tính thị trường robot công nghiệp toàn cầu sẽ mở rộng gấp rưỡi so với với năm 2018 vào cuối 2025 với tổng giá trị sản lượng lên tới 26,7 tỷ USD. Trước triển vọng phát triển này, Đài Loan với những lợi thế đã và đang nỗ lực xây dựng nền tảng vững chắc cho những bước đi tiếp theo của tự động hoá thông minh.

{keywords}
 Đài Loan đang xây dựng nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo của tự động hoá thông minh

Củng cố ngành sản xuất với những giải pháp toàn diện

Máy công cụ là một trong những khía cạnh thể hiện năng lực công nghiệp mạnh mẽ của Đài Loan. Với xu hướng phát triển của Công nghiệp 4.0, làm thế nào để giám sát và làm chủ tất cả các thành phần của máy công cụ, đồng thời nâng cao năng suất, từ đó đạt được tối ưu hóa và tăng lợi nhuận, là thách thức lớn đối với ngành công nghiệp Đài Loan.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp tại đây đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết thách thức này. Phải kể đến hệ thống giám sát thông minh máy công cụ i4.0 của Bufflo, một sản phẩm cũng giành giải thưởng Taiwan Excellence lần thứ 28, đã tích hợp trí thông minh với các công cụ máy móc tiên tiến.

Hay Delta Electronics, một công ty đạt giải thưởng của Đài Loan chuyên về “Tự động hoá thông minh” (Smart-Automation) đã mở rộng phát triển thêm “Sản xuất thông minh” (Smart-Manufacturing) nhằm đưa ra các giải pháp sản xuất thông minh toàn diện. Từ đây, so với dây chuyền sản xuất truyền thống, năng suất của các nhà máy thông minh đã được tuỳ chỉnh có thể được tăng lên 70%, đồng thời năng suất lao động trực tiếp cũng gấp 3 - 5 lần.

{keywords}
Với những bước phát triển tập trung và mạnh mẽ, Đài Loan đang dần tiến tới việc trở thành cơ sở sản xuất và cung cấp giải pháp cho máy móc thông minh cho thế giới

Cùng với những giải pháp giúp củng cố năng lực sản xuất, dự báo trong tương lai cũng cho thấy khả năng bứt phá của ngành công nghiệp Đài Loan.

Vào đầu năm 2020, mặc dù Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thiết bị máy móc, dự kiến nhu cầu thị trường sẽ tăng mạnh trở lại khi đại dịch thuyên giảm. Một ước tính lạc quan cho thấy tổng mức tăng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp máy móc thiết bị của Đài Loan sẽ là 3,3 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5% -10%. Bên cạnh đó, giá trị sản lượng của các công cụ máy móc thiết bị chính sẽ tăng 10%.

Với mục tiêu dài hạn là trở thành cơ sở sản xuất và cung cấp giải pháp cho máy móc thông minh trên thế giới cùng năng lực R&D mạnh mẽ và đam mê cải tiến công nghệ, có thể thấy, Đài Loan đã và đang từng bước hiện thực hoá mục tiêu trở thành “Vương quốc sản xuất máy móc thông minh” của thế giới.

Ngọc Minh