Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk xảy ra 13 đợt thiên tai, gồm: 10 trận lốc tố, 1 đợt hạn hán và 2 đợt mưa lũ, ngập lụt, khiến 259 nhà dân bị hư hỏng, 5 điểm trường và 741 ha cây trồng bị ảnh hưởng... ước tính thiệt hại gần 11 tỷ đồng.

daklak.jpeg
Người dân ở TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, di dời tài sản khỏi vùng ngập lụt.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho hay để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, công tác dự báo thời tiết cần được tăng cường để có những thông tin cảnh báo thiên tai kịp thời cho các địa phương từ sớm, từ xa. Cùng đó, các địa phương, các ban, ngành, cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Bên cạnh nhiệm vụ phải tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng, ông Nguyễn Tuấn Hà cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác dự báo tình hình thiên tai nhằm đảm bảo ngày càng kịp thời, chính xác… 

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Công ty phát điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) là đơn vị đang vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện bậc thang là Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3 trên sông Srêpốk ở địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Đơn vị này đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn, cảnh báo lũ và xây dựng bản đồ số vùng hạ du tại các hồ chứa của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpốk 3.

Hiện các hồ chứa nhà máy thủy điện đã được lắp đặt hệ thống tự động dự báo lưu lượng nước về, lưu lượng mưa và mực nước hồ chứa. Dữ liệu thực từ các trạm quan trắc được kết nối về trung tâm và làm cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình dự báo lưu lượng nước về cho các hồ chứa. Đây là những yếu tố tiên quyết giúp đơn vị lập kế hoạch, phương thức vận hành tối ưu nhà máy và xây dựng bản đồ số vùng hạ du.

Việc ứng dụng nhật ký vận hành điện tử mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp cán bộ, nhân viên vận hành đều giám sát chỉ số bình thường, nguy cơ để có giải pháp xử lý kịp thời.

Lãnh đạo công ty cho hay đơn vị xây dựng trang thông tin điện tử hồ chứa, số hóa các trạm đo mưa, cảnh báo; xây dựng công trình dự báo nước về có ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, việc quản lý hành lang hồ chứa vùng thoát lũ, công ty xây dựng các bản đồ số trong đó cập nhật vùng hạ du, vùng ngập lụt, sử dụng ảnh vệ tinh chụp hiện trạng  phục vụ cho công tác điều hành phòng chống thiên tai.

Hồ chứa nước Ea Rớt là một trong những công trình thủy lợi được đầu tư cơ bản các hệ thống thiết bị quan trắc, giám sát tự động để nâng cao hiệu quả an toàn, quản lý vận hành công trình. Thông qua các hệ thống quan trắc, đo đạc tự động kết hợp giám sát điều khiển tại hiện trường các vị trí công trình, dữ liệu sẽ được truyền tải về máy chủ, giúp đơn vị vận hành hồ cập nhật thông tin nhanh và tăng tính chủ động trong ứng phó các loại hình thiên tai.

Cùng với ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk còn tạo Group trên zalo với các thành viên. Từ nhóm này, các thông báo mới hoặc thông tin tình huống thiên tai xảy ra sẽ nhanh chóng được đăng tải để các thành viên nhanh chóng được tiếp cận, Ban Chỉ huy tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề kịp thời.

Hải Dương và nhóm PV, BTV