Đắk Nông hiện có 713 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố (trong đó 486 thôn, 121 bon, 18 buôn, 9 bản, 79 tổ dân phố). Tỉnh có 40 dân tộc cùng sinh sống.

Trong đó, đồng bào DTTS có hơn 47.600 hộ, 221.000 người, chiếm tỷ lệ gần 32% so với dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 3 DTTS tại chỗ là M’nông, Mạ, và Ê đê với tổng số hơn 15.800 hộ với 71.700 người chiếm hơn 10% so với dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 32% so với tổng số DTTS.

Với sự quan tâm đặc biệt đến vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương được ban hành và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông tập trung sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành nói chung và ngành dân tộc nói riêng tập trung triển triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương.

Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) cùng đồng bào DTTS và miền núi. Riêng giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình trên là 2.695 tỷ đồng.

vùngdtts.png

Tổng vốn đầu tư cho các xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 giai đoạn 2021 - 2025 là 1.136 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 là 481 tỷ đồng. Các nội dung, tiểu dự án trong các chương trình tác động tích cực đến mọi lĩnh vực trong đời sống hộ dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ lồng ghép giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số đã mang lại những hiệu quả thiết thực; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,5% năm 2006 xuống còn khoảng 8,0% năm 2022.

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, nguy cơ cao tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiên tai và dịch bệnh thường xuyên xảy ra; dân di cư tự do dù đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn lượng lớn hộ dân di cư đến từ những năm trước chưa được bố trí ổn định; cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đầu tư đúng mức cho công tác giảm nghèo bền vững...

Nhằm tập trung các nguồn lực giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn mới, Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Mục tiêu chiến lược là phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh-quốc phòng; xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc vùng dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng phát triển; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.

Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so năm 2020; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 3%.

Đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế bình quân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt tối thiểu 6,0-6,5%/năm; thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 thu nhập bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; có 70% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; xóa tình trạng nhà ở tạm bợ, thiếu kiên cố; giải quyết căn bản thực trạng dân di cư không theo quy hoạch,...

Ngọc Lài và nhóm PV, BTV