Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/7/2017, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện.

{keywords}
Vấn đề trăn trở trong nhiều năm qua của ngành y tế là đến năm 2020 phải giải quyết căn bản tình trạng quá tải khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện tuyến cuối. Ảnh minh họa.

Kết quả khảo sát tại các bệnh viện trên toàn quốc mới nhất cho hay, so với thời điểm trước khi triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện (năm 2013) đã có 5.078 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Tại bệnh viện tuyến trung ương, những chuyên khoa quá tải hàng đầu là: Khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi cũng đều có xu hướng giảm như: Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh 168% năm 2011 giảm còn 112% năm 2018; Bệnh viện K công suất sử dụng giường bệnh 249% năm 2011 giảm còn 98% năm 2018; Bệnh viện Chợ Rẫy công suất sử dụng giường bệnh 154% năm 2011 giảm còn 95% năm 2018…

Đề án bệnh viện vệ tinh

Với nhiệm vụ “Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã.

Thời gian qua Bộ Y tế đã khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung ngân sách để xây dựng nhiều cơ sở y tế mới, như: Cơ sở 2 cho các bệnh viện: Bệnh viện K Hà Nội (tại Thanh Trì, cơ sở 3 ở Tân Triều), Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (tại quận 9), Bệnh viện Nội tiết (tại Thanh Trì), Bệnh viện Bạch Mai (tại Phủ Lý, Hà Nam), Bệnh viện Việt Đức (tại Phủ Lý, Hà Nam),... Các cơ sở này tạo sự khác biệt so với cơ sở cũ, điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn. Hiện, Bộ Y tế cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh (gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, và một số tỉnh, thành phố về các chuyên khoa đang quá tải trầm trọng như khoa Ngoại - chấn thương, khoa Tim mạch, khoa Ung bướu, khoa Sản và Nhi) để giảm tải.

{keywords}
Hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, quy định về nghĩa vụ luân phiên, bác sĩ nam - nữ đều phải về cơ sở công tác từ 6-12 tháng cũng được triển khai; bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi xung phong tình nguyện về cơ sở từ 2-3 năm sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Quy định về nghĩa vụ xã hội tới đây khi được thực hiện sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tải khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Đối với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm. Đây là giải pháp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

Theo ghi nhận, đề án giảm tải bệnh viện đã mang lại một số kết quả bước đầu với việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, trong đó có nhiệm vụ: Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của năm chuyên khoa: Ung bướu, Ngoại - chấn thương, Tim mạch, Sản và Nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân. Đồng thời, phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân.

Hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân tham gia BHYT

Bên cạnh đề án bệnh viện vệ tinh, nhằm đảm bảo quyền được khám chữa bệnh cho người dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành các Thông tư quy định giá dịch vụ KCB theo lộ trình thực hiện mục tiêu: Đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

{keywords}
Đảm bảo mọi người dân đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe

Trong năm 2018, Chính phủ đã sử dụng khoảng 31.140 tỷ đồng, năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT góp phần đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số tham gia BHYT đến tháng 8/2019.

Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt vì không phải trả thêm hoặc tự mua một số thuốc, vật tư mà trước đây giá thấp người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán.

Bên cạnh đó, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 240 cơ sở y tế tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên; 1.250 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Các địa phương cũng thực hiện giảm cấp chi lương từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh, thành phố cho thấy, năm 2018 ngân sách cấp cho các bệnh viện đã giảm khoảng 8.947 tỷ đồng so với năm 2015, góp phần từng bước thực hiện chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Trần Hằng