Các truyện ngắn “Dưới những bóng cau”, “Bài ca Trăng sáng”, “Hạng A Tráng”, “Mùa gặt ở Na Lin”, “Vợ chồng Mìn và những đứa con”, “Bên bờ suối Vạch”, cho thấy cảm hứng bất tận của nhà văn với vùng núi Tây Bắc, nơi linh giác của ông ngay lập tức được phát động từ lần đầu ông đặt chân đến miền cận trên của tổ quốc này, với sự mê hoặc với thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây. 

Những truyện ngắn này ghép thành một bức tranh nhiều màu sắc và tuyệt đẹp về giai đoạn cuối những năm kháng chiến chống Mỹ đến sau giải phóng của mảnh đất Lào Cai (tên gọi thân thuộc hơn và từng được sử dụng là Lao Cai).

bia mavankhang.jpg
Bìa cuốn sách.

Chọn lựa giai đoạn 1970-1980, tập truyện với 244 trang nhấn vào sự thay đổi, biến động của hoạt động cách mạng cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống và thời cuộc của những dân tộc miền núi nơi đây. Ở họ vẫn toát lên tinh thần đấu tranh thuần khiết, mãnh liệt, chân thành và anh dũng cho đất nước, vẫn hướng mình tới những đổi mới sau khi giải phóng với ước mong cuộc sống tốt đẹp trong một niềm tin vào Đảng, nhà nước. Nhưng cũng ở những con người chất phác đó, họ kín đáo, giấu mình trong những phong tục, tập quán cổ xưa nhất, lấy đó làm nguồn lực tinh thần, làm giá trị cốt lõi để tiếp nhận thời đại mới, để chủ động phá bỏ biết bao định kiến, áp buộc của thời chiến đã qua. 

Đó là anh thanh niên Hạng A Tráng kiên trì xung phong tòng quân ra tiền tuyến trong suốt một năm liền, tự tôi luyện sức vóc mình bằng những đường cày nặng nhọc nhất trên những mảnh đất khô cằn, khó khăn nhất của bản Y Lìn Hồ. 

Là Hòa trong “Dưới những bóng cau”, cô nhân viên trẻ tuổi dưới xuôi lên vận động về công cụ sản xuất cho bà con người Tày. Cô gái dần hòa mình với đời sống của người dân Tày, cảm nhận tình yêu thương và sự đùm bọc ấm áp của từng người dân làng chân chất. 

Hay tình cảm của vợ chồng Mìn – Cơi thấm đậm sự chịu thương, chịu khó, sự thấu hiểu và ủng hộ vợ từ người chồng và sự mạnh mẽ, quyết liệt và tình yêu vô bờ bến của người vợ Mông với người chồng khuyết tật… 

Mỗi câu chuyện là mỗi phận con người nhưng đều tựu chung lại ở sự gắn kết tình người, như cái cách thiên nhiên khắc nghiệt, hoang hoải, kỳ vĩ và mê mị nơi dọc hoành Hoàng Liên Sơn tạc lên thể xác và con tim của từng tộc người thiểu số.

Nhà văn Ma Văn Kháng không chỉ dùng những câu từ khắc tả thiên nhiên hùng vĩ Tây Bắc, mà còn dẫn dụ người đọc vào không gian văn hóa đa sắc màu nơi đây, với những lễ hội hoa ban, lồng tồng, hay những chi tiết nhỏ nhất, khơi lên sự tò mò về trang phục, lao động, huyết tộc và sự bình dị, hoang sơ tuyệt đẹp của con người miền núi. 

Cũng có lúc dòng văn của ông trầm lắng, u buồn và đượm đầy tiếc nuối khi khơi lên những chiêm nghiệm về cuộc đời trải nhiều thăng trầm, cách con người đối diện với mọi đổi thay, khi thì lạc quan, lúc lại buông xuôi mà uất ức. Nhưng tựu lại vẫn là những niềm hi vọng vào tình người – thứ gắn kết vô hình nhưng lại bền chặt nhất của nhân loại, để con người ta sống tiếp, sống cho trọn đời người.

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới.

Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo công chúng biết đến do được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông môn Văn. Ông đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc.

Ông từng đạt nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 2012.

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV