Tìm cơ hội thoát nghèo từ cây gừng hữu cơ

Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Nơi đây thường được gọi là “vùng đất khát” vì có địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nương ngô, nương lúa quanh năm thiếu nước, còn đời sống người dân cơ cực, cái đói cái nghèo mãi đem bám.

Thế nhưng, đó câu chuyện của nhiều năm về trước, còn bây giờ đời sống của bà con vùng cao Lục Khu đã thực sự đổi thay. Trên vùng đất cằn toàn sỏi đá này, những nương ngô dần được thay bằng nương gừng hữu cơ xanh tốt.

Ngồi phân loại gừng để chuẩn bị cân bán cho doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu, anh Trương Văn Lần ở thôn Ngườm Vài, xã Cải Viên (một trong 12 xã vùng cao Lục Khu thuộc huyện Hà Quảng), cho biết, nơi gia đình anh trồng gừng hữu cơ trước đây vốn là thung lũng đá tai mèo bỏ hoang đã mấy chục năm. Từ năm 2016, chính quyền địa phương vận động người dân ra khu vực này khai hoang trồng gừng hữu cơ, ký kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Anh Lần tâm sự, lúc đầu được vận động chuyển đổi sang mô hình trồng gừng, anh và các hộ dân nơi đây ai cũng hoài nghi. Nhưng ngẫm nghĩ, bao năm trồng ngô mà cuộc sống gia đình vẫn đói nghèo, nhà không có tiền, đứa con đầu phải nghỉ học theo bố mẹ lên nương rẫy từ nhỏ.

Bây giờ, tham gia liên kết trồng gừng hữu cơ, nếu không được thì lại quay lại trồng ngô, coi như không mất gì. Còn nếu thành công thì có cơ hội đổi đời, cứ làm liều một phen.

“Bắt tay vào làm, năm đầu tiên gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo chuẩn hữu cơ, được cấp giống. Sang năm thứ hai gia đình đã chủ động được nguồn giống, năng suất cũng cao hơn. Sản phẩm được công ty bao tiêu hết”, anh khoe.

Ở thôn của anh Lần hiện có 19 hộ dân tham gia liên kết trồng gần 12ha gừng hữu cơ, năng suất đạt khoảng 25-30 tấn/ha.

{keywords}
Thay vì trồng ngô, người dân vùng Lục Khu chuyển sang trồng gừng hữu cơ xuất khẩu

Anh Hứa Văn Dùng - một hộ dân tham gia trồng gừng hữu cơ xuất khẩu ở xóm Lũng Rẩu, xã Vân An (Hà Quảng), cũng cho hay, từ năm 2018, gia đình bắt đầu trồng gừng hữu cơ trên mảnh đất rộng 3.000m2. Nhờ học kỹ thuật canh tác mới, đồng thời huyện còn ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua ổn định nên anh yên tâm sản xuất.

Bà Hoàng Thị Lẹn, ở xóm Lũng Rẩu phấn khởi chia sẻ, trước đây, người dân chưa biết cây gừng có giá trị cao nên chỉ trồng ngô, đỗ tương, sau đó để đất trống từ 3 đến 4 tháng. Còn cây gừng mỗi nhà chỉ trồng vài khóm, đem ra chợ bán cho tư thương, chẳng được bao nhiêu tiền. Giờ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao, người dân chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng gừng bán cho doanh nghiệp.

Nông dân chia nhau 100 tỷ mùa Tết

Cầm những củ gừng to, vỏ căng bóng trên tay, anh Lần khoe năm nay nhà anh thu được 8 tấn, gừng được công ty thu mua với giá 13.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, vụ gừng này anh để dành ra được từ 50-70 triệu để gửi tiết kiệm.

Theo anh, từ ngày trồng gừng liên kết để xuất khẩu, đời sống gia đình anh ngày càng khấm khá, cuộc sống no đủ. Đặc biệt, sau mỗi vụ thu hoạch gừng anh lại có vài chục triệu đồng đem gửi ngân hàng lấy lãi.

Chỉ trồng gừng trên diện tích khoảng 3.000m2, song năm 2018 của gia đình anh Hứa Văn Dùng đạt trên 100 triệu đồng, năm 2019 được 180 triệu đồng. Còn tại xóm Lũng Rẩu hiện có 20ha trồng gừng, cho tổng sản lượng thu hoạch năm 2019 hơn 700 tấn, doanh thu ước gần chục tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc một doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trồng gừng xuất khẩu ở Cao Bằng, cho biết, 100% sản phẩm gừng hữu cơ đều được công ty thu mua xuất khẩu sang châu Âu.

Theo ông Hiếu, khu vực Lục Khu có nhiều vùng đất hoang sơ, trước đây người dân không canh tác, hoặc trồng ngô không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nên giờ canh tác theo quy trình hữu cơ rất thuận lợi.

{keywords}
Nhờ trồng gừng hữu cơ liên kết với DN bao tiêu sản phẩm mà người dân Lục Khu chia nhau hàng trăm tỷ đồng từ tiền bán gừng tươi

Đặc biệt, ở vùng núi đá này dù không có nước tưới, cũng không có mạch nước ngầm, nhưng đổi lại sáng sớm đều có nhiều sương, độ ẩm luôn giữ ở mức 69-70%, là điều kiện lý tưởng để cây gừng phát triển tốt, chất lượng củ gừng tuyệt hảo.

“Sản phẩm gừng trồng ở vùng núi đá Hà Quảng được gửi đi phân tích tại Pháp, họ đánh giá rất cao về chất lượng nên công ty có sản lượng bao nhiêu, các đối tác ở châu Âu đều mua hết”, ông Hiếu nói. 

Ông Lưu Trọng Hính - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hà Quảng, cho hay, gừng là cây trồng truyền thống ở các xã vùng cao Lục Khu của huyện Hà Quảng. Trước đây, người dân trồng tự phát, tự cung tự cấp, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc, giá thu mua rất rẻ.

Những thương lái này thu mua không ký kết, đầu ra của củ gừng bấp bênh, thậm chí cũng có lúc chỉ trả giá 800 đồng/kg.

Từ khi có doanh nghiệp lên đây liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng đúng chuẩn, sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá cao, ổn định. Đến nay, sau hơn 3 năm bắt tay doanh nghiệp trồng gừng hữu cơ xuất khẩu, vùng cao Lục Khu đã phát triển gần 200ha gừng trâu. Vụ mùa gừng năm 2019, năng suất bình quân từ 35-40 tạ/ha, giá thu mua 13.000 đồng/kg.

“Bình quân mỗi hecta gừng thu được 400-450 triệu đồng. Tính ra, tổng doanh thu từ củ gừng năm vừa rồi đạt gần 100 tỷ đồng”. Ông Hính tiết lộ, trồng gừng không quá vất vả, lợi nhuận lại rất cao. Như vụ vừa rồi tính ra 1ha gừng người nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng.

Bắt đầu từ thời điểm huyện phát triển diện tích trồng gừng theo mô hình liên kết từ sản xuất tới bao tiêu sản phẩm thì tỷ lệ hộ nghèo vùng Lục Khu giảm từ 96% xuống 66%. Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo hướng xuất khẩu đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là bài toán giảm nghèo bền vững khi nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, ông Hính khẳng định.

Cũng theo ông Hính, trên toàn địa bàn tỉnh Cao Bằng, hiện chỉ có gừng Hà Quảng được chứng nhận hữu cơ của Nhật và của Mỹ. Huyện dự kiến năm 2025 mở rộng diện tích lên 500ha và tiến tới năm 2030 lên 1.000ha.

Huyện Hà Quảng cũng đã đưa vào Nghị quyết mục tiêu: Triển khai mô hình “Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu theo hướng xuất khẩu” nhằm phát huy lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, đất đai, chuyển đổi những vùng đất thiếu chủ động về nước, vùng đất trống và vùng trồng các loại cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng gừng, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, ông Hính cho hay.

Chu Khôi