Lời tòa soạn:

Hình ảnh người già tiếp tục làm việc trong những năm tháng hưu trí không còn là hiếm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề già hóa dân số, thiếu lao động đã được giải quyết phần nào nhờ lực lượng “tóc bạc” này. 

Theo tờ Economic Daily, sau hơn 3 thập kỷ thực hiện chính sách một con, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Chính phủ Trung Quốc dự báo, số người trên 60 tuổi ở nước này vào năm 2035 sẽ đạt 400 triệu, bằng 30% dân số. Tới 2050, số người cao tuổi sẽ tăng lên hơn 500 triệu. 

Tình trạng này đang gây áp lực nặng nề lên quỹ lương hưu nhà nước, các cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi và dịch vụ y tế. Để đối phó với khó khăn trước mắt, truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi 137 triệu người cao tuổi khỏe mạnh trở lại làm việc.

"Trước tình trạng dân số già hóa, việc người cao tuổi trở lại lực lượng lao động là cần thiết, và bản thân họ cũng mong muốn tiếp tục làm việc", một chuyên gia tại Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc nói.

Hiện tại, tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc là 60 với nam và 55 với nữ, thấp hơn các nước phát triển như Nhật Bản hay Pháp. Bắc Kinh đang tính tới việc kéo dài thời hạn về hưu, nhưng các chính sách cụ thể vẫn đang được thảo luận.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc có 6,6 triệu người lao động từ 60 tuổi trở lên vào năm 2022, tương đương 8,8% lực lượng lao động. Số liệu này cho thấy người cao tuổi ở đại lục sẵn sàng trở lại làm việc nếu có cơ hội.

"Kiềm tiền chỉ là phụ, điều quan trọng nhất là tôi có thể sử dụng kiến thức của mình để đóng góp cho xã hội", ông Tôn, một nhà nghiên cứu 64 tuổi cho biết.

e4b61544 51ae 4b90 9c2a c10fc24b5a5e.jpeg
Người lao động cao tuổi tại Trung Quốc. Ảnh: VGC

Không chỉ trở lại làm việc, người cao tuổi ở Trung Quốc còn không ngần ngại sử dụng công nghệ và mạng xã hội như giới trẻ.

Một chủ nhà hàng ở Bắc Kinh tiết lộ, chỉ ít lâu sau khi nghỉ kinh doanh ở tuổi 60, ông đã mở lại một nhà hàng nhỏ. Lần này, ông sử dụng mạng xã hội Douyin để hỗ trợ việc kinh doanh, và nó đã phát huy hiệu quả rõ rệt. "Tôi có thể bán được 100 suất chân giò mỗi ngày. Tôi cảm thấy thoải mái khi được làm việc", người chủ nhà hàng nói với Tân Hoa Xã.

Ủy ban Dân số Trung Quốc cho biết, nghề nghiệp của người cao tuổi vô cùng đa dạng, bao gồm bảo vệ, nhân viên bán hàng, kỹ sư, nhà nghiên cứu... Điểm chung của các đối tượng lao động này là khỏe mạnh và năng động, và họ được gọi chung là "người cao tuổi sôi nổi".

Tuy vậy, việc người cao tuổi trở lại làm việc cũng có nhiều khó khăn, liên quan tới các vấn đề phúc lợi và an toàn lao động.

"Khi thuê người trên 60 tuổi, chủ lao động chỉ cần trả lương mà không phải đóng các chi phí xã hội khác. Luật hiện hành không bảo vệ người cao tuổi khi đi làm. Trong trường hợp có tranh chấp hoặc tai nạn, họ có thể phải chịu thiệt thòi vì đã quá tuổi nghỉ hưu", ông Trương, chuyên gia tới từ Đại học Kinh tế và Kinh doanh thủ đô cho biết.

Theo chuyên gia này, Chính phủ Trung Quốc cần có các chính sách để bảo vệ quyền lợi của lao động cao tuổi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần trở nên linh hoạt khi sử dụng người lao động hơn 60 tuổi, không nên yêu cầu họ đảm nhận các công việc đòi hỏi quá nhiều thể lực hoặc có nguy cơ cao.

Bài 4: Muôn kiểu thích nghi với độ tuổi lao động để tận dụng 'kinh tế bạc'