Ổn định cuộc sống lâu dài tại bản Rào Tre

Dân tộc Chứt, còn gọi là người Rục, người Sách, người Arem, người Mày, người Mã Liềng… là một trong những dân tộc ít người nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cuộc sống của người Chứt trước đây du canh, du cư bằng cách săn bắt, hái lượm, sống trong các hang động hoặc các lều tạm bợ bằng lá cây rừng, tách biệt hoàn toàn với xã hội. Mãi năm 1999, nhóm người dân tộc Chứt được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện từ rừng sâu.

Thời gian đầu, khi mới về bản Rào Tre, đồng bào Chứt vẫn giữ nếp sinh hoạt như khi còn ở rừng sâu với nhiều tập tục lạc hậu. Do vậy mà cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám cuộc sống của họ hết năm này qua năm khác. Đến năm 2001, BĐBP Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Ðồn Biên phòng Bản Giàng, với nhiệm vụ trực tiếp giúp dân xây dựng, ổn định cuộc sống lâu dài.

Đồng bào dân tộc Chứt hiện có 61 hộ, 209 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn 2 xã: Hương Liên, Hương Vĩnh (Tại bản Rào Tre, xã Hương Liên có 46 hộ, 156 nhân khẩu, sinh sống tại hai điểm “Bản cũ có 35 hộ, Bản mới có 11 hộ”); Bản Giàng II, xã Hương Vĩnh, có 15 hộ, 53 nhân khẩu), được sự quan tâm của các cấp, ngành và chia sẻ của toàn xã hội, bà con dân tộc Chứt đang đổi thay và dần thoát khỏi các hủ tục lạc hậu.  Đồng bào đã biết trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống kinh tế- xã hội của bà còn đã được cải thiện đáng kể và có nhiều khởi sắc. 

Một góc bản Rào Tre

Nếu được hỗ trợ mô hình, gia đình tôi cũng sẽ chăm chỉ làm ăn

Cách nay gần 10 năm, thực hiện Đề án 2571 QĐ/UBND ngày 03/9/2014 (Gọi tắt là Đề án 2571) của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển đồng bào dân tộc Chứt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức thay đổi tư duy, phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ đợt cao điểm tháng 3/2015, hai đơn vị phối hợp cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra quân trồng chuối cao sản cho đồng bào dân tộc Chứt, đến nay chuối đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa thu hoạch giúp nhân dân cải thiện đời sống.

Mô hình kinh tế chăn nuôi lợn tập trung với quy mô nhỏ 10 con/lứa do Tỉnh đoàn hỗ trợ, bố trí đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ, hướng dẫn cho hộ Hồ Bắc đã được thả nuôi đợt 2, cho thu nhập ròng 3 triệu đồng/lứa. Hiệu quả từ mô hình không chỉ dừng lại ở việc tăng thu nhập cho người dân mà điều quan trọng là làm chuyển biến nhận thức, thói quen canh tác, sản xuất, tự chủ trong cuộc sống cho đồng bào dân tộc.

Hộ Hồ Bắc, đã cơ bản chủ động trong chăn nuôi từ chế biến thức ăn, cho lợn ăn, vệ sinh chuồng. Ngoài mô hình lợn, Tỉnh đoàn còn hỗ trợ gia đình anh Hồ Bắc chăn nuôi gà với mô hình quy mô 100 con đang phát triển tốt. Khi được hỏi “Tiền lãi từ lứa lợn thứ hai này anh định làm gì? – Hồ Bắc cho biết: “Kinh nghiệm từ lứa trước, cầm tiền thì mấy rồi cũng hết, nên lứa này, tôi sẽ dùng tiền lời để mua tiện nghi sinh hoạt hoặc mua vàng để cất trữ”. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hồ Kính nói: Tôi cũng muốn nuôi lợn lắm nhưng không có tiền đầu tư, nếu được hỗ trợ mô hình, gia đình tôi cũng sẽ chăm chỉ làm ăn như Hồ Bắc”.

Bên cạnh các hoạt động giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng và Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh trong, ngoài địa bàn, đặc biệt là sự kết nối với thanh niên dân tộc Rục ở Quảng Bình.

 Cô gái Chứt đầu tiên ở Rào Tre đỗ đại học

Không chỉ thoát khỏi các hủ tục lạc hậu, khởi sắc trong làm ăn kinh tế, đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre còn đi học đại học.

Đợt xét tuyển đại học năm 2021, em Hồ Thị Sương (SN 2003) có tên trong danh sách trúng tuyển, khi đạt được 22,88 điểm khối M01 (Ngữ Văn, Năng khiếu đọc diễn cảm, kể chuyện, năng khiếu hát, nhạc). Em vui mừng nhận giấy báo trúng tuyển của Đại học Hà Tĩnh và cũng là cô gái Chứt đầu tiên ở Hà Tĩnh đỗ đại học.

Nữ sinh Hồ Thị Sương chia sẻ: “Thấy các em nhỏ ở bản thiếu thốn nhiều thứ, ít được đi ra học hỏi. Vì thế em nhận thấy cần phải cố gắng học tập. Ước mơ của em trở thành giáo viên mầm non để sau này về dạy dỗ các học sinh, trẻ em dân tộc của mình. Nhận được giấy báo trúng tuyển, em thật sự vui mừng và hạnh phúc”.

Văn Hùng, Đình Thành, Minh Hưng, Hồ Lợi