Khi tình hình Covid-19 ở Ấn Độ diễn biến đến mức “kinh hoàng”, chúng ta phải xem những hình ảnh đau lòng. 

Không chỉ có 4 đẳng cấp 

Ấn Độ là đất nước của sự đa dạng về mọi mặt: văn hóa, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ… Hindu giáo với vị trí là tôn giáo lớn nhất ở Ấn Độ (hiện nay có 966 triệu người tin theo) và là tôn giáo lớn thứ ba thế giới (1,03 tỉ tín đồ) đóng vai trò then chốt trong việc định hình nên cấu trúc xã hội của Ấn Độ. 

Từ tôn giáo này làm nảy sinh hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, và nó chi phối, tác động sâu sắc, lâu dài với nhiều hệ lụy trong xã hội đến ngày nay. 

{keywords}
Khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai. Dharavi là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Những mái nhà màu xanh trên thực chất là vải nhựa để tránh mưa. Ảnh: Daily Mail 

Cấu trúc xã hội Ấn Độ theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Geetesh Sharma là “tập hợp những thành tố bất quy tắc, nhưng kỳ lạ là nó lại được sắp xếp thành một hệ thống lớp lang rõ ràng".

Nhìn từ ngoài vào, xã hội Ấn chồng chéo lên nhau nào là đẳng cấp, tầng lớp, tôn giáo, ngôn ngữ, vùng miền… Nhưng nếu định vị hệ thống đẳng cấp là xương sống của cả cấu trúc xã hội Ấn Độ, mọi thứ sẽ trở nên có trật tự và rõ ràng. Hệ thống này được hình thành cả ngàn năm trước, và đến nay, nó vẫn là nguyên nhân cốt lõi cho những bất ổn trong xã hội.

Hầu hết các học giả Ấn Độ lẫn phương Tây đều nhất trí rằng, hệ thống đẳng cấp là một đặc trưng của Hindu giáo. Tuy vậy, cùng với sự ra đời và du nhập của các tôn giáo khác, hệ thống đẳng cấp cũng đã có sự ảnh hưởng nhất định đến Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và đạo Jain.

Từ đẳng cấp trong tiếng Anh là caste, vốn không phải là một từ đơn Ấn Độ. Theo từ điển Oxford, caste có nguồn gốc là từ casta trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha, có nghĩa là "chủng tộc, dòng dõi, giống" và nghĩa nguyên sơ là "tinh khiết và không pha trộn". Không có khái niệm nào trong ngôn ngữ Ấn Độ đại diện hoàn toàn cho từ này, mà chỉ có hai thuật ngữ gần đúng là varna và jati.

Varna có nghĩa là màu sắc, và là khuôn khổ đầu tiên trong việc phân định xã hội trong thời kỳ Veda (Vệ đà). Bốn đẳng cấp trong varna là Brahmins (đẳng cấp tu sĩ, hay còn gọi đẳng cấp Bà La Môn), Kshatriyas (còn được gọi là Rajanyas, là đẳng cấp của những vương công quý tộc, chiến binh), Vaishyas (thợ thủ công, thương nhân, nông dân) và Shudras (đẳng cấp nô lệ, những người làm công việc nặng nhọc).

Tuy vậy, vẫn còn một đẳng cấp thứ năm trong hệ thống varna vốn không được công nhận chính thức trong các kinh sách, là đẳng cấp Dalit (tiện dân). Những người thuộc đẳng cấp này bị coi là "nằm ngoài xã hội" và phải làm các công việc bị cho là hạ tiện như đổ phân, nhặt rác…

Trong khi đó, jati có nghĩa là sinh ra, nguồn gốc. Khái niệm này ít được đề cập trong kinh sách hơn so với varna. Có đến hàng ngàn jati, và hiện nay vẫn chưa có định nghĩa chính xác dành cho khái niệm này. 

Nguồn gốc từ đâu

Từ lý thuyết ủng hộ cho sự phân biệt chủng tộc của phương Tây…

Có nhiều lý giải từ các nhà nhân chủng học, khảo cổ học vả cả sử học Ấn Độ và thế giới về nguồn gốc của hệ thống đẳng cấp đặc biệt này trong hơn một thế kỷ qua. Tuy vậy, có thể tạm nhóm các giả thuyết về nguồn gốc đẳng cấp Ấn Độ thành 3 nhóm lý thuyết lớn: lý thuyết chủng tộc, lý thuyết ngẫn nhiên và các chứng minh từ di truyền học.

Lý thuyết chủng tộc bắt đầu từ cuộc tranh luận giữa hai nhà nghiên cứu đồng thời cũng là hai nhà quản lý người Anh tại Ấn Độ J. C. Nesfield và H. H. Risley. Theo Risley, hệ thống đẳng cấp được hình thành từ sự xung đột chủng tộc (racial clash). Ông cho rằng chủng tộc Aryan "da sáng màu" đã vào tiểu lục địa Ấn Độ từ phía tây bắc và chinh phục chủng tộc Dravidian "da đen" bản địa.

Lý giải của Risley cho rằng người Aryan sau khi xâm lược đã chinh phục chủng tộc yếu thế hơn, bắt giữ phụ nữ theo nhu cầu của họ và tạo ra các thế hệ con lai, qua đó trở thành một đẳng cấp cao hơn.

Trong khi đó, Nesfield đưa ra nhận định "vấn đề nguồn gốc đẳng cấp không chỉ là về chủng tộc, mà còn là về văn hóa".

Lý thuyết chủng tộc về sự hình thành đẳng cấp đã khuyến khích các ý tưởng phân biệt chủng tộc, vốn dĩ ban đầu được phát triển để làm tôn lên địa vị của người châu Âu ở tiểu lục địa.

{keywords}
Một gia đình tại khu ổ chuột ở Mumbai ngày 3/4. Ảnh: AP

Đến sự phản bác của chính học giả Ấn Độ

Các học giả Ấn Độ đã phản pháo lại lý thuyết chủng tộc của Risley. Nhà nghiên cứu Ketkar lập luận rằng các đẳng cấp là kết quả của các cuộc xung đột giữa các bộ tộc với nhau hơn là về vấn đề giữa người Aryan và người Dravidian. 

Quan điểm của Ketkar là tất cả người dân Ấn Độ, với một số ngoại lệ hạn chế đến từ miền đông, đều thuộc về một chủng tộc duy nhất, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các lý thuyết chủng tộc có thể gây ra sự chia rẽ trong xã hội.

Những phản ứng của giới khoa học Ấn đã dẫn tới sự tạo ra của cái tạm gọi là lý thuyết ngẫu nhiên. Theo quan điểm này, chế độ đẳng cấp là sản phẩm của những sự kiện lịch sử cụ thể, có thể bị giới hạn trong một khoảng thời gian và địa điểm cụ thể.

Lý thuyết này có sự đóng góp quan trọng B.S Ambedkar (là người xuất thân từ đẳng cấp Dalit, đồng thời cũng là người soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ). 

Ambedkar đã bác bỏ lý thuyết chủng tộc và tấn công vào những người đã "dùng sinh học để bảo vệ hệ thống đẳng cấp". Ông nhấn mạnh về nghiên cứu của Nesfield với kết luận không hề có sự khác biệt về chủng tộc giữa các đẳng cấp khác nhau trong cùng một khu vực, đồng thời kết luận "hệ thống đẳng cấp là sự phân biệt trong xã hội giữa những người cùng chủng tộc”.

Kết thúc cuộc tranh luận trăm năm

Vào giữa những năm 1990, các nhà khoa học bắt đầu sử dụng di truyền học như một công cụ để kiểm tra nguồn gốc của chế độ đẳng cấp cũng như mức độ liên hệ giữa các đẳng cấp. Kể từ đó, hàng loạt các nghiên cứu về di truyền học về hệ thống đẳng cấp đã được ra đời.

Các nghiên cứu di truyền học đầu tiên cho ra những kết luận phù hợp với lý thuyết ngẫu nhiên. Theo đó, không có sự liên hệ tương ứng giữa các mối quan hệ di truyền với cấu trúc văn hóa xã hội. Thế nhưng các nghiên cứu tiếp theo lại đưa ra những kết quả rất khác nhau, một số khác lại ủng hộ cho lý thuyết chủng tộc.

Đến nay, các công trình nghiên cứu sử dụng di truyền học nhằm tìm hiểu về nguồn gốc của chế độ đẳng cấp vẫn tiếp tục được thực hiện.

Giải phóng đẳng cấp, giải phóng con người  

Tuy cuộc tranh luận chưa thể dẫn đến một kết quả cuối cùng, ít ra nó cũng đã đóng góp được khác nhiều, từ việc bác bỏ “thần tính” về nguồn gốc của các đẳng cấp, khi Rig-Veda (kinh Vệ Đà) cho rằng các đẳng cấp được sinh ra từ các bộ phận khác nhau của người sơ thuỷ, trong đó người ở đẳng cấp cao thì sinh ra từ phần thân trên, và đẳng cấp thấp nhất sinh ra từ lòng bản chân.

Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ dẫn đến sự phá bỏ quan niệm "đẳng cấp vốn là tự nhiên, là bất biến". Đây là tiền đề để giải phóng các đẳng cấp dưới khỏi hệ thống đẳng cấp nghiêm khắc, và là bước quan trọng để dẫn đến giải phóng con người.

{keywords}
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe người dân tại một khu ổ chuột ở Mumbai. Ảnh: Guardian

Thứ hai, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đẳng cấp bắt nguồn từ các yếu tố chính trị - xã hội chứ không phải là từ tôn giáo. Và không ngoại trừ khả năng, hệ thống đẳng cấp chính là công cụ được các nhà thống trị tạo ra nhằm mục đích thiết lập một cấu trúc xã hội ổn định, trật tự và có lợi cho họ để dễ bề cai trị.

Hệ thống đẳng cấp hiện nay đang là rào cản rất lớn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Ấn Độ. Các khảo sát gần đây cho thấy sự phân biệt đối xử đẳng cấp vẫn không có dấu hiệu suy giảm mà ngược lại đang có xu hướng nghiêm trọng hơn. Cuộc tổng điều tra năm 2014 cho thấy tỉ lệ người dân thuộc các đẳng cấp dưới, đặc biệt là những người thuộc về đẳng cấp Dalit đang phải đối mặt với sự kỳ thị nặng nề với việc chiếm tỉ lệ thấp nhất trong các tiêu chí: tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm...

Những bất công xã hội liên quan đến các đẳng cấp dưới liên tục diễn ra, bất kể ở khu vực đô thị hay nông thôn, thể hiện sự căng thẳng trong xã hội Ấn Độ hiện đại.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã hiến định về việc cấm thực hành bất cứ hành vi phân biệt đối xử đối với các đẳng cấp dưới, thì việc có những đạo luật riêng biệt về "bảo lưu" đối với các đẳng cấp dưới cho thấy tình hình không hề lạc quan.

Cụ thể, Ấn Độ đã lên danh sách các đẳng cấp dễ bị tổn thương, và gọi nó là "Các đẳng cấp định danh". Theo đó, tất cả các cơ quan nhà nước (bao gồm Quốc hội), trường đại học, quân đội, cảnh sát… đều phải dành một tỉ lệ nhất định số "ghế" của mình cho những đẳng cấp được định danh này.

Việc này, tuy có tác động tích cực đối với những người thuộc đẳng cấp dưới, nhưng lại thể hiện rõ sự bất lực của Ấn Độ trong việc ngăn chặn việc thực hành phân biệt đối xử.

Lưu Duy Trân (Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc)

Những bài học từ thảm họa ở Ấn Độ

Những bài học từ thảm họa ở Ấn Độ

Nhiều người quy trách nhiệm cho chủng biến thể từ Anh, nhưng chắc chắn còn có những yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất, có lẽ là việc người Ấn Độ đã ngừng coi trọng đại dịch.