Rạng sáng 12/7, bệnh nhân C.T.T.G. (32 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên) phải vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) cấp cứu khi lên cơn hen cấp tính.

Chị G. bị hen, luôn mang theo thuốc xịt để sử dụng trong các trường hợp bất ngờ. Khi người phụ nữ này đang ngủ, cơn hen xuất hiện đột ngột. Dù bệnh nhân sử dụng thuốc xịt định liều nhưng cơ thể không đáp ứng thuốc nên khó thở, ho nhiều và có đờm trắng. Chị nhanh chóng vào viện để được cấp cứu và điều trị. 

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản bội nhiễm, dùng thuốc theo phác đồ. Đến trưa cùng ngày, chị trở về trạng thái ổn định, xin xuất viện.

cấp cứu hen.png
Nữ bệnh nhân đã vào cấp cứu kịp thời. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có tiền sử hen phế quản mạn tính nhưng có kiến thức rất tốt về bệnh, cách xử lý cơn hen cấp tính nhanh, quyết đoán nên không rơi vào tình huống nguy hiểm. 

Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khuyến cáo việc nhận biết cơn hen phế quản và xử trí ban đầu đúng rất quan trọng, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi đưa vào bệnh viện.

Người bệnh nên tránh xa các tác nhân gây khởi phát cơn hen, luôn đem theo thuốc bên mình và kịp thời nhập viện khi có dấu hiệu nguy hiểm. 

Các bước xử trí cơn hen

- Bước 1: Lập tức đưa người bệnh rời khỏi tác nhân kích động cơn hen đến nơi thoáng khí, không tập trung nhiều người xung quanh. 

- Bước 2: Làm ấm cơ thể người bệnh, tránh điều hòa, quạt ẩm.

- Bước 3: Đỡ người bệnh ngồi dậy hoặc nằm kê cao nửa người (trên giường), giúp người bệnh dễ thở hơn rất nhiều. Tuyệt đối không xoa hay vuốt ngực cho người bệnh đang lên cơn hen vì hành động này càng khiến họ khó thở, nặng ngực và tức ngực hơn.

- Bước 4: Sử dụng ngay thuốc điều trị dạng xịt, tác dụng nhanh. Nếu hen phế quản nhẹ, thường xịt hít 2 lần liên tiếp, thuốc có tác dụng, cắt cơn hen hiệu quả. Người bệnh luôn mang theo thuốc bên cạnh.

Nếu sau 20 phút, cơn hen vẫn không giảm thì tiếp tục xịt thêm 2 lần và đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu.