Tấm thiệp chúc mừng “bạn đã thoát khỏi đắng cay”

Vào ngày Liang từ chức khỏi công việc tại một ngân hàng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), bạn bè đã tổ chức một bữa tiệc để chúc mừng anh. Mọi người đánh cồng chiêng và trống, vui vẻ như nghi lễ kết hôn truyền thống. Xung quanh họ treo đèn lồng và biểu ngữ “song hỷ” thường thấy trong các đám cưới, trong khi bàn tràn ngập thức ăn.

hinh 1.png
 Liang (ở giữa) và bạn bè tổ chức tiệc từ chức vào tháng 5/2023 sau khi nghỉ việc.

Bạn của Liang, những người cũng đã nghỉ việc, cài một bông hoa lên ngực có dòng chữ: “Chúng ta cuối cùng cũng chấm dứt công việc này rồi!”.

Mọi người dự tiệc đều nhận được thiệp mời với nội dung: “Mong các bạn ăn uống ngon, thoát khỏi đắng cay càng sớm càng tốt”.

Điều này có vẻ kỳ lạ khi người trẻ ăn mừng việc rời bỏ một công việc ổn định với mức lương đáng ghen tị, đặc biệt là trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục.

“Tôi rơi vào guồng máy móc, lặp đi lặp lại. Nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng của tôi”, Liang nói với CNN. Hầu hết những người tham gia xu hướng này đều ở độ tuổi 20, với nhiều lý do khác nhau để nghỉ việc, từ lương thấp đến kiệt sức.

Theo trang mạng Maimai (tương đương với LinkedIn), trong số 1.554 nhân viên Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau được khảo sát từ tháng 1 đến tháng 10/2022, 28% đã từ chức ngay trong năm đó. Con số này tăng gấp đôi đối với những người có ý định bỏ cuộc nhưng chưa thực hiện được.

hinh 2.png

Bánh ngọt trong bữa tiệc mừng bỏ việc của Liang. Tấm biển ghi: 'Tôi bỏ cuộc!'

 Tại Mỹ, một phong trào tương tự, được mệnh danh là “Cuộc bỏ việc vĩ đại” (Great Resignation) diễn ra trong 2 năm qua, với gần 50 triệu người được ghi nhận đã rời bỏ công việc. Trong khi hiện tượng này đang giảm dần ở phương Tây, dường như nó mới chỉ bắt đầu ở Trung Quốc.

Sự vỡ mộng rất cao ở những người trẻ làm việc quá sức, những người suốt đời cạnh tranh với nhau về học tập và thăng tiến trong công ty, chỉ để nhận được rất ít sự hài lòng.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề về kinh tế của đất nước, khi tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động thu hẹp.

Thị trường không phù hợp: Cung - cầu bất xứng

Nhiều trẻ em ở Trung Quốc bắt đầu “cuộc đua” giáo dục từ khi còn nhỏ, nhiều giờ học thêm sau lớp chính khóa và các kỳ thi áp lực cao mà đỉnh điểm là kỳ thi đầu vào đại học “gaokao”.

Nancy Qian, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern (Mỹ), cho biết: “Tôi nghĩ mọi người ở phương Tây, những người bên ngoài Trung Quốc, không hiểu việc trở thành một đứa trẻ ở đó khó khăn như thế nào. Giới trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều thất vọng, kiệt sức và oán giận vì phải làm việc quá sức”.

Người trẻ được động viên rằng những “hy sinh” ở hiện tại sẽ rộng mở tương lai sau này. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với thực tế về tỷ lệ thất nghiệp chưa từng có và mức lương trì trệ do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và văn hóa làm việc quá sức.

hinh 3.png
Người trẻ tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh vào tháng 8/2022.

Cảm giác vỡ mộng đó càng tăng cao bởi điều mà các chuyên gia cho là sự không phù hợp giữa trình độ học vấn và kỹ năng của mọi người cũng như công việc hiện có.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này đã xây dựng hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới, với tỷ lệ tuyển sinh đại học tăng gần gấp đôi chỉ sau 10 năm lên 57,8% vào năm 2021.

Tuy nhiên, Yao Lu, giáo sư xã hội học tại Đại học Columbia (Mỹ), phát hiện trong nghiên cứu của mình một tỷ lệ đáng kể nhân viên “không đủ tiêu chuẩn” cho công việc hiện tại của họ, nghĩa là vị trí của họ không yêu cầu những kỹ năng và kiến thức học được ở trường.

 “Họ đang làm những công việc có thể tương đối ổn định, có thể được trả lương khá cao, nhưng đó là những công việc thường không cần bằng đại học”, chẳng hạn như vai trò hành chính tại các văn phòng quận địa phương và tài xế giao đồ ăn.

Sự không phù hợp trong thị trường lao động có thể là một vấn đề dài hạn. Trong nhiều năm, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm, đồng nghĩa với việc có ít trẻ sơ sinh hơn và nhóm người trưởng thành trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp lại. Trong khi đó, dân số già nhanh chóng dẫn đến nhu cầu về quỹ hưu trí, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ phúc lợi khác ngày càng tăng.

Một số chuyên gia nhận định, xu hướng nghỉ việc cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh. Những người trẻ tuổi được giải phóng khỏi những giờ làm việc mệt mỏi có thể có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các mối quan hệ và lập gia đình. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, họ có thể trì hoãn thêm quá trình đó do “mất thu nhập và cảm xúc chán nản”.

Tuy vậy, “bất cứ điều gì đẩy tỷ lệ sinh xuống thấp hơn nữa đều là mối lo ngại nghiêm trọng cho tương lai của Trung Quốc”, theo nhận định của GS Nancy Qian.

Tử Huy