Ai chưa từng chặc lưỡi cùng cơ quan đi ăn thịt thú rừng, mặc dù bản thân thấy việc đó không được đúng lắm? Hay trong cơn sốt đất dẫn nhau đi mua một miếng ruộng ở tít tắp chỗ nào đó, để rồi sau đó tự sỉ vả bản thân?

Những vụ việc liên quan tới hành vi của đám đông gần đây gây ra không ít bức xúc và phê phán trong dư luận. Các nhà bình luận, rồi đông đảo bạn đọc báo lắc đầu chê trách cái hung hãn và sự vô văn hoá của "xã hội", rồi tổng quát hoá lên bổ sung chúng vào danh sách những tính xấu của người Việt nói chung.

Những cái lắc đầu phê phán không có ý nghĩa nhiều nếu ta không hiểu tâm lý và những yếu tố chi phối hành vi của đám đông. Như tôi đã phân tích trong bài "Những 'hổ báo' dũng mãnh trong đám đông".

Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm. "Không đi theo đám đông để làm điều xấu" là một câu trong Kinh Thánh. Không chỉ đơn giản là "Không làm điều xấu", mà cụ thể và chính xác là "Không đi theo đám đông để làm điều xấu".

Đám đông hấp dẫn khó cưỡng lại, tới mức người ta có thể tự nguyện phủ nhận sự thật để đi theo nó. Trong một loạt các thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch).

{keywords}

Đám đông hấp dẫn khó cưỡng lại, tới mức người ta có thể tự nguyện phủ nhận sự thật để đi theo nó. Ảnh Getty Image

Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng trên hai tờ giấy - một bài tập sơ đẳng ở mức trẻ con. Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai, thì trong tới 30% trường hợp, người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.

Chúng ta là nạn nhân của đám đông nhiều hơn là chúng ta tưởng. Ai có thể tự tin cho rằng mình luôn giữ được độc lập và chưa từng bị đám đông làm nghiêng ngả?

Ai chưa từng chậc lưỡi cùng cơ quan đi ăn thịt thú rừng, mặc dù bản thân thấy việc đó không được đúng lắm? Hay trong cơn sốt đất dẫn nhau đi mua một miếng ruộng ở tít tắp chỗ nào đó, để rồi sau đó tự sỉ vả bản thân? Về bản chất, việc này không khác việc chen nhau để ăn một miếng sushi phát không là mấy.

Vậy làm sao có thể chống cự được sự cám dỗ của đám đông? Làm sao để giữ tỉnh táo?

Trong một văn hoá tập thể vốn hay nghi ngờ và tìm cách triệt tiêu sự cá biệt như văn hoá Việt Nam, đây là một điều khó, và còn khó hơn nữa trong những thời điểm đặc biệt như Tết Nguyên Đán, khi áp lực thống nhất trong hành vi tạo ra bởi đám đông lên tới đỉnh điểm. Tôi muốn đưa ra ba kỹ thuật "giữ mình" để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Nâng sức kháng cự

Bức ảnh một nữ lính Mỹ tay cầm một sợi dây da buộc vào cổ một tù nhân Ả Rập đang trần truồng nằm dưới đất như đang dắt chó đã trở nên nổi tiếng thế giới. Quân lính và sĩ quan Mỹ tra tấn, ngược đãi, hãm hiếp và làm nhục các tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib ở Baghdad, và mọi người đều hoặc làm theo hoặc im lặng, cho tới khi ba người lính lên tiếng tố cáo. Vì sao ba người này lại có hành động khác với đám đông?

Theo các nhà tâm lý học, sự kiềm chế nội tại giúp người ta giữ được quan điểm của mình kể cả khi nó xung đột với đám đông xung quanh. Những cá nhân có "điểm kiểm soát" (locus of control) nằm ở bên trong là những người có khả năng kháng cự cao hơn, những người làm chủ được hành động và cuộc sống của họ.

Ở cực bên kia là những người có điểm kiểm soát nằm ở bên ngoài. Những người này dễ bị ảnh hưởng, và họ cũng sẵn sàng phó thác bản thân cho người khác. Đi kèm, họ cũng luôn đổ lỗi cho bên ngoài cho những vấn đề của mình. Những người này có xu hướng chấp thuận cao vì họ cho rằng một ai đó khác đang chịu trách nhiệm về tình hình.

Cũng như với những khả năng khác, khả năng kiềm chế bản thân và kháng cự đám đông được phát triển thông qua quá trình rèn luyện, từ những tình huống đơn giản, vô hại, tới những tình huống phức tạp, đòi hỏi những quyết định khó khăn. Bắt đầu từ quyết định có nên cùng bạn bè đi ăn thịt thú rừng hay không, cho tới quyết định có tố giác một đường dây chia chác bất hợp pháp trong cơ quan.

Tìm đồng minh

Điểm thú vị là sức hút của đám đông giảm đi rất nhiều nếu như ta có, dù là rất ít, đồng minh. Trong thí ngiệm của Asch, tỉ lệ người tham gia vẫn vững vàng giữ nguyên ý kiến đúng của mình cao hơn rất nhiều nếu như trong nhóm còn lại có một người, chỉ cần một người thôi, tách ra và đưa ra một ý kiến khác đám đông, kể cả khi ý kiến của người này cũng sai. Đồng minh đem lại tự tin, tỉnh táo, và giúp người ta yên tâm với sự khác biệt của mình chứ không từ bỏ nó.

Suy luận thêm một bước nữa: trong một đám đông, hẳn cũng có người đang tìm một ai đó làm đồng minh, để họ dũng cảm và tự tin hơn. Đồng minh đó có thể là ta?

Đứng riêng một mình

Một trong những cách rèn luyện khả năng kháng cự là tách ra khỏi đám đông một cách có ý thức để đứng một mình. Một mình không có nghĩa là cô đơn. Cô đơn là một trống vắng, cách biệt, chia cắt; người ta có thể cô đơn ngay khi ở trong một đám đông và đó là sự cô đơn đáng sợ nhất. Một mình là đồng hành với bản thân, lắng nghe và tìm hiểu chính mình.

Trong đám đông người ta có nguy cơ đánh mất bản thân, còn một mình đem lại tự do và không gian để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo mà không bị rối trí và can thiệp. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng những thanh thiếu niên không có khả năng chịu đựng được trạng thái một mình cũng không phát triển được các khả năng sáng tạo của họ.

Theo triết gia Soren Kierkegaard, đám đông là tập hợp của những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân.

Ngày nay, sự lẩn tránh dễ dàng hơn bao giờ hết, khi đám đông của Internet, của Facebook chỉ cách chúng ta đúng một cái gõ ngón tay nhẹ. Ý thức được vẻ đẹp của việc đứng một mình là bước đầu tiên giúp ta tách ra khỏi đám đông để đi vào con đường nhọc nhằn nhưng cần thiết này.

Đặng Hoàng Giang

(Phó giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)