Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhưng cũng là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Góc nhìn của chuyên gia Phạm Ngọc Hòa nêu ra quan niệm của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều, cũng như đưa ra một số giải pháp giúp Việt Nam giải quyết nghèo đa chiều.
Quan niệm của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều
Giống như một quá trình phát triển, nghèo đói là một khái niệm đa chiều. Trong cùng một thời điểm, người nghèo có thể phải đối mặt với nhiều bất lợi khác nhau, có thể là những khó khăn trong khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, đất đai, nước sạch hoặc điện thắp sáng. Sử dụng một tiêu chí thu nhập (hay chi tiêu) không đủ để nắm bắt được tình trạng nghèo thực tế của người dân.
Đánh giá nghèo cần được tiếp cận rộng hơn từ chiều cạnh phát triển toàn diện con người. Nhận thức về giảm nghèo của Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 (xuất phát từ sáng kiến của Thành phố Hồ Chí Minh) đến nay cũng phát triển theo xu hướng chung của thế giới.
Những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo là một trong những câu chuyện thành công nhất trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, Việt Nam thường đi chậm hơn một nhịp (khoảng hơn 5 năm), nhưng cũng thành công hơn, trở thành điểm sáng trong công cuộc giảm nghèo, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thực vậy, giảm nghèo đa chiều theo quan niệm của Việt Nam có sự khác biệt so với quốc tế, điều đó được thể hiện trên một số mặt sau:
Một là, nghèo đa chiều bền vững theo quan niệm của quốc tế dựa trên nền tảng phải bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu của người nghèo, không chỉ về thu nhập mà bao gồm cả đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản. Việt Nam cho đến giai đoạn 2011-2015 chuẩn nghèo chưa tiếp cận được mức sống tối thiểu và ngay chuẩn nghèo về thu nhập giai đoạn 2016-2020 đã tiếp cận đa chiều cũng chưa bảo đảm mức sống tối thiểu (mới đảm bảo 70%).
Hai là, chuẩn nghèo đa chiều theo quan niệm quốc tế khi mức thu nhập đã bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu thì chỉ tính đến độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và chuẩn đó là độ thiếu hụt 1/3 các nhu cầu xã hội cơ bản. Việt Nam chưa thể bỏ chuẩn nghèo về thu nhập do chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Về nhu cầu xã hội cơ bản, giảm nghèo trước năm 2015 ở Việt Nam tuy đã có chính sách trợ giúp người nghèo về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhưng chưa đưa vào kết cấu trong chuẩn nghèo có tính đa chiều.
Ba là, đo lượng nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều của quốc tế nhằm đo lường mức thiếu hụt về nhu cầu xã hội cơ bản theo các chiều với các tiêu chí có tính chất phổ quát (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra ba chiều: Y tế với 2 tiêu chí; giáo dục với 2 tiêu chí và điều kiện sống với 10 tiêu chí về phúc lợi xã hội), nhưng đối với mỗi nước có thể đưa ra các chiều với các tiêu chí khác nhau. Việt Nam lại đưa ra 5 chiều cạnh nghèo và 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều.
Bốn là, đo lường nghèo đa chiều theo phương pháp đo lường của quốc tế chủ yếu để đánh giá tình trạng nghèo đa chiều của quốc gia so với quốc tế, còn chính sách hỗ trợ cho người nghèo là theo chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải xây dựng chuẩn nghèo đa chiều để có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều (xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo).
Ngoài ra, ở Việt Nam, cách đo lường và đánh giá nghèo chủ yếu thông qua thu nhập. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy thành tiền. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo. Đây chính là chuẩn nghèo đơn chiều do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, chuẩn nghèo hiện nay của Việt Nam được đánh giá là thấp so với thế giới. Thực tế cho thấy sử dụng tiêu chí thu nhập để đo lường nghèo đói là không đầy đủ. Nhiều trường hợp không nghèo về thu nhập nhưng lại khó tiếp cận được các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin… Do đó, nếu chỉ dùng thước đo duy nhất dựa trên thu nhập hay chi tiêu sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng nghèo, dẫn đến sự thiếu công bằng, hiệu quả và bền vững trong thực thi các chính sách giảm nghèo.
Để hiện thực hóa bước chuyển về giảm nghèo đa chiều, Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông.
Đồng thời, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản”; Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Tiếp đó, ngày 15-9-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo đó, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam được xây dựng theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chí về thu nhập, bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin).
Trên cơ sở 5 chiều cạnh nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đề xuất 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng là: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Các chỉ số đo lường này được trình bày trong bảng dưới đây:
Một số giải pháp giúp Việt Nam giải quyết nghèo đa chiều
Trước hết, cần đổi mới tư duy xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo; phân cấp quản lý, tăng cường vai trò của cấp địa phương, chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư. Đây là điều kiện hết sức cần thiết, vì trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, áp dụng các tiếp cận tăng trưởng bao trùm toàn diện. Các chính sách cần được thiết kế bảo đảm sự thống nhất về cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ giống nhau đối với các đối tượng giống nhau, tránh trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm tăng tính bền vững trong chính sách giảm nghèo[1]. Để áp dụng và thực hiện phương pháp này cần triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Nghị định số 76/2014/QH13, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”.
Đây là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng cho việc tiếp cận phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho chương trình giảm nghèo của nước ta trong giai đoạn 2016-2020.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; phân công đầu mối chịu trách nhiệm. Theo đó, thu gọn đầu mối, thực hiện các chính sách giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan Trung ương nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách. Giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện, có thời hạn để khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo.
Thứ tư, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, ý thực tự chủ, tinh thần tự lực của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các chính sách giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy để thực hiện cam kết giảm nghèo, như tinh thần Nghị quyết số 80/CP về giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 26-NQ/TW (Khóa X) của Ban Chấp hành trung ương là đưa người dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển. Chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng các nền tảng thể chế và xã hội cho quá trình phát triển, cũng như việc quản lý tình trạng dễ bị tổn thương, khuyến khích sự tham gia của người dân để bảo đảm mọi người đều có đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, mở rộng kinh tế cho người nghèo bằng cách đẩy mạnh tăng trưởng nói chung và tích lũy tài sản cho người nghèo thông qua hỗ trợ đất đai, giáo dục cho họ; tăng thêm mức lợi suất từ những tài sản này thông qua sự kết hợp các hành động mang tính thị trường và phi thị trường. Đồng thời, Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm và nhạy bén hơn đối với người nghèo, tăng cường sự tham gia của người nghèo trong các quá trình chính trị và ra quyết định ở địa phương, từng bước dỡ bỏ những rào cản xã hội như phân biệt giới, tôn giáo và địa vị xã hội.
Bạt Tuấn, Anh Dũng