Tòa nhà 33 tầng gần như chỉ có khung xương bê tông. Những bức tường gạch nối các cột được xây một nửa.

Wang và Zhou ở tầng 4. Không có nước và điện, ngọn đèn năng lượng mặt trời là nguồn sáng duy nhất của họ. Căn nhà chỉ vỏn vẹn 2 chiếc giường sắt đơn và một tấm gỗ làm bàn ăn.

Nói với Sixth Tone, Wang giải thích: “Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng chúng tôi không phải lo lắng về tiền thuê nhà hàng tháng. Chúng tôi đã mua căn nhà này”.

Zhou Zongzhen (trái) và Wang Xudong ngồi trong phòng ngủ chung cư Jinling. Ảnh: Sixth Tone.

5 năm chờ đợi

Wang, Zhou, và gần 100 hộ dân khác đã chuyển đến chung cư Jinling hơn 3 tháng trước. Giống hàng nghìn người khác ở Trung Quốc, họ đổ hết tiền tiết kiệm để mua một căn hộ bán trước.

Việc rao bán căn hộ trước khi xây dựng là chuyện thường thấy tại đất nước này. Năm 2021, 87% nhà ở được bán trong quá trình xây dựng, tăng 63% so với năm 2005. Hầu hết người mua trả tiền nhà trước vài tháng, thậm chí vài năm trước khi chúng hoàn thành.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu BĐS Thượng Hải đầu năm 2022, có 5% dự án tại các thành phố lớn ở Trung Quốc - hay 71,5 triệu m2 căn hộ - đang bị bỏ dở.

Chung cư Jinling. Ảnh: Sixth Tone.

Đôi vợ chồng và những chủ nhà khác đã yêu cầu các công ty hoàn thành việc xây dựng chung cư Jinling, kêu gọi cơ quan chức năng can thiệp và kiện tụng. Tuy nhiên, không lần nào có kết quả.

Wang và Zhou biết đến chung cư Jinling vào năm 2016. Với lời mời căn hộ hiện đại và giá cả phải chăng, dự án nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân địa phương. Ngày càng nhiều khu dân cư đông đúc mọc lên xung quanh Tây An trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.

Wang khi đó rất muốn mua nhà gần Tây An để chăm sóc cha mẹ.

“Cha tôi hơn 80 tuổi và mẹ tôi là người khiếm thị. Tôi đã cố gắng đưa bố mẹ về thành phố sống chung, nhưng không ai cho chúng tôi thuê nhà. Chủ nhà lo lắng nếu có chuyện không may, nhà sẽ khó cho thuê lại”, anh nói.

Wang Xudong và vợ. Ảnh: Sixth Tone.

Tháng 11/2016, nhân viên dự án rao bán căn hộ 50m2 với giá 250.000 nhân dân tệ và tòa nhà sẽ hoàn thành trong năm tới. Wang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, cho rằng thời gian một năm là hợp lý.

Vài ngày sau, Wang và vợ được thông báo trả trước 60% để đảm bảo thế chấp. Sau khi đưa tiền, nhân viên nói thêm họ phải thanh toán 40% còn lại trong một năm chung cư xây dựng.

Anh cố gắng tiết kiệm tiền trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, khi Wang ghé qua một tháng trước khi bàn giao, chung cư chỉ là khu đất hoang vắng.

Tháng 10/2017, 2 tuần trước thời hạn bàn giao, chủ đầu tư tuyên bố tạm dừng dự án do “sự cố trong chuỗi cấp vốn”. Họ cam kết đơn vị thi công sẽ hoạt động trở lại trong tuần và bàn giao nhà hoàn thiện trước ngày 31/01/2018.

Tuy nhiên, họ không thực hiện điều đó.

Áp lực dai dẳng

Tháng 8/2018, chủ đầu tư đề xuất người mua thanh toán số tiền còn lại để giúp họ có đủ vốn tái khởi công xây dựng. Khoản thanh toán sẽ được chuyển vào tài khoản ký quỹ do chính phủ giám sát. Quan chức địa phương cũng trấn an người dân rằng số tiền sẽ được xử lý đúng cách.

Người mua miễn cưỡng đồng ý và thanh toán hơn 9 triệu nhân dân tệ. Wang vay tiền từ người thân và ngân hàng để trả số tiền còn lại.

Quá trình thi công tiếp tục, nhưng chỉ trong một tuần.

 Công trình bị bở dở ở chung cư Jinling. Ảnh: Sixth Tone.

Các chủ nhà quyết định đưa vụ việc ra tòa. Tháng 1/2021, Wang thuê luật sư địa phương để kiện nhà phát triển vi phạm hợp đồng. Anh yêu cầu dự án tiếp tục xây dựng, ấn định ngày bàn giao mới và bồi thường thiệt hại cho sự chậm trễ.

Wang thắng kiện. Tòa yêu cầu chủ đầu tư bồi thường 15.000 nhân dân tệ, nhưng không yêu cầu thời gian cụ thể hoàn thành dự án.

Những người mua khác cũng nhận được phán quyết tương tự. Dù thắng kiện, 2 năm sau, không một ai trong số họ có căn nhà hoàn thiện hay được bồi thường thiệt hại.

“Trong trường hợp này, chính quyền địa phương nên xử lý dự án theo diện phá sản”, Qiu Ping, luật sư tại Công ty Luật Thượng Hải cho biết.

Khi công ty tuyên bố phá sản, tòa chung cư có thể được bán ra. Sau đó, chủ đầu tư khác có thể tiếp quản dự án và hoàn thiện xây dựng. Những người mua đã trả trước cho căn hộ là chủ sở hữu hợp pháp, vì vậy họ sẽ giữ quyền sở hữu ngay cả sau khi chủ đầu tư phá sản, Qiu giải thích thêm.

Một cư dân ở chung cư Jinling. Ảnh: Sixth Tone.

Sự chậm trễ kéo dài 5 năm khiến người mua gặp khó khăn tài chính. Nhiều người thuê nhà gần chung cư Jinling để tiện theo dõi tình hình. Khu vực này đã trải qua nhiều đợt phá dỡ, khi Tây An tái phát triển các đô thị.

Vì vậy, Wang phải chuyển nhà ít nhất 6 lần trong suốt 3 năm qua.

Song Jia (45 tuổi) mua căn hộ của chung cư Jinling sau khi ly hôn. Mỗi lần tranh chấp với chủ đầu tư, cô mất 6 tiếng đi lại. Sự căng thẳng đã ảnh hưởng nặng nề đến Jia.

“Tôi cứ tưởng mình đã có tổ ấm mới sau khi ly hôn. Nhưng thực tế, tôi vẫn không nhà trong ngần ấy năm. Không ai biết con đường phía trước sẽ khó khăn đến vậy”, Jia bật khóc.

Song Jia bật khóc khi chia sẻ câu chuyện. Ảnh: Sixth Tone.

Cuộc sống trong tòa chung cư bỏ dở

Qua thời gian, áp lực tài chính lớn dần lên. Giá thuê nhà tiếp tục tăng. Nền kinh tế địa phương bị ảnh hưởng lớn vì đại dịch.

Cuối cùng, tháng 9/2021, hơn 100 chủ hộ đột nhập và đập phá những bức tường gạch chắn lối vào chung cư Jinling.

Cảnh sát nhanh chóng có mặt. Cuối ngày hôm đó, một quan chức địa phương hứa sẽ đảm bảo dự án hoàn thành vào cuối năm nếu họ đồng ý rời đi.

Những chủ nhà lựa chọn tin tưởng và rời đi. Nhưng việc thi công vẫn trì hoãn.

Vì vậy, họ đột nhập vào tòa nhà một lần nữa. Lần này, chủ đầu tư để một chiếc ô tô chắn ngang lối vào. Cảnh sát từ chối xử lý vụ việc nên họ cùng nhau nhấc chiếc xe lên bằng tay không.

Qu và các cư dân nghỉ ngơi cùng nhau. Ảnh: Sixth Tone.

Dù hoàn cảnh sống tồi tệ, nhiều người trong chung cư Jinling vẫn chịu đựng vì vốn lớn lên trong cảnh nghèo khó.

“Khó khăn ư? Tất cả chúng tôi đều từng trải qua nhiều cay đắng. Căn nhà này tốt hơn nhiều so với nơi tôi từng ở”, một cư dân nói.

“Trước khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, mọi người ở nông thôn đều khó khăn. Bây giờ, dù khổ một chút, tôi vẫn hài lòng”, Qu (67 tuổi) cho biết.

Do thiếu hệ thống thoát nước, họ phải đào nhà vệ sinh khô bên ngoài tòa nhà. Cư dân hút nước từ giếng cách đó 200m. Một số người đi khắp nơi thu gom những chai nước khoáng dùng dở từ các thùng rác địa phương.

Buổi tối, phụ nữ thay phiên nấu ăn cho cả khu nhà. Họ nộp 400 nhân dân tệ/người/tháng chi phí sinh hoạt.

Tuy vậy, họ vẫn lo lắng vào tương lai của dự án. Cơ quan địa phương hứa giúp chủ đầu tư bán đất để gây quỹ hoàn thành tòa nhà hồi tháng 7.

 Qu (67 tuổi) cảm thấy mệt mỏi với những lời hứa của nhà đầu tư. Ảnh: Sixth Tone.

Giờ đây, các chủ nhà đã mệt mỏi với những lời hứa. Qu cho biết ông khó ngủ vào ban đêm, bị tra tấn vì nghĩ rằng bản thân bị lừa.

“Tôi sẵn sàng làm mọi công việc khó khăn trong nửa đầu cuộc đời mình để mua được nhà ở thành phố. Tương lai của dự án này sẽ quyết định cả cuộc đời tôi. Tôi mua căn hộ vì tôi hy vọng sẽ dành phần đời còn lại của mình ở đây”, Qu nói.

Các cư dân vẫn đang chờ đợi sự thay đổi.

Theo Zing