Danh y Nguyễn Tất Tái là thầy thuốc đông y nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vào nửa đầu thế kỷ 20, thường được gọi với cái tên "cụ Cử Tái". Cụ Cử Tái sinh ra ở làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Cụ Nguyễn Tất Tái đỗ Tú tài khoa Giáp Ngọ (1894) khi mới 20 tuổi và đỗ Tú tài lần hai khoa Đinh Dậu (1897). Đến khoa thi năm Quý Mão (1903), dưới thời vua Thành Thái, cụ đỗ Cử nhân. Do đó, quê nhà thường gọi cụ là cụ "Cử Kép”.

Theo cha chữa bệnh cứu người

Cụ Nguyễn Tất Tái sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Cha là cụ Nguyễn Đức Ban, đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất (1886), triều vua Đồng Khánh. Cụ Đức Ban chỉ làm quan Huấn Đạo huyện Văn Giang, Hưng Yên trong 3 năm, rồi về quê mở lớp dạy học và hành nghề đông y. 

Em gái của cụ Nguyễn Tất Tái là cụ Nguyễn Thị Từ, mẹ của cố Tổng bí thư Trường Chinh. 

Sau khi đỗ Cử nhân, cụ Nguyễn Tất Tái không ra làm quan mà ở nhà nghiên cứu sách thuốc và theo cha học nghề đông y.

Nhờ tinh thông chữ Hán và học hỏi thêm kinh nghiệm từ cha chú, cụ đã tìm hiểu được sâu hơn các nguyên lý chữa bệnh theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh từ những hiểu biết về triết học phương Đông, về mối liên hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên…

Vì vậy, cụ nổi tiếng về “tinh mạch”, phát hiện sớm được bệnh đang ở giai đoạn nào, là “hàn” hay “nhiệt", là “thực” hay “hư”, bộ phận nào trong lục phủ, ngũ tạng. Cơ năng nào có vấn đề, gốc bệnh thực sự nằm ở đâu…

anh 1 danh y.jpg
Chân dung thầy thuốc, danh y Nguyễn Tất Tái 

Tài năng chẩn mạch, bắt bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là chữa được các bệnh nan y của cụ đã nhanh chóng được truyền tụng khắp nơi. Danh tiếng của cụ không chỉ truyền khắp tỉnh Nam Định, mà còn lan tới nhiều tỉnh thành phía Bắc như Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội... Nhiều bệnh nhân đã kí thác tính mạng cho cụ... ví cụ như là "ông thánh coi mạch".

Cụ coi mạch tinh tường một cách khác thường. Dường như chưa có một vị lương y nào tinh thông mạch lý bằng cụ trong những thập niên đầu thế kỷ trước. Dân gian còn lưu truyền những câu chuyện về tài chữa bệnh của cụ. Nhiều trường hợp, bệnh nhân lâm bệnh nặng chữa khắp nơi không khỏi, nhưng tìm đến cụ thì đều khỏi bệnh. 

Con cháu nối tiếp nghề nhân đức

Cụ Cử Tái tiếp tục truyền nghề cho các con trai là Nguyễn Tư Tề, Nguyễn Tư Phấn cùng người em con chú.

Ông Nguyễn Tư Tề khá nổi tiếng về tài chữa bệnh ở Nam Trung Bộ (Khánh Hoà) và Bắc Giang (giai đoạn ông đi tản cư trong kháng chiến chống Pháp). Trong khi đó, người em Nguyễn Tư Phấn (hiệu Chu Sỹ) nổi tiếng khắp cả nước do hành nghề y tại nhiều địa phương khác nhau, thậm chí sang cả Campuchia.

Tương tự người anh trai, dù không tham gia cách mạng, nhưng gia đình ông Chu Sỹ cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cố Đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân từng viết trong hồi kí rằng, năm 1954, gia đình ông Chu Sỹ khi ở Hải Phòng đã giúp đỡ điều trị cho các đồng chí trong đường dây hoạt động bí mật của bà.

Từ năm 1962 cho đến đầu 1980, thầy thuốc Chu Sỹ đã được mời chữa bệnh cho nhiều người nổi tiếng. GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Trung ương cho biết, "thầy thuốc Chu Sỹ là một trong hai danh y của nước ta có khả năng bắt được mạch Thái Tố ở thế kỷ 20. Tức là có khả năng tiên lượng rõ người bệnh sẽ mất vào khoảng thời gian nào, thậm chí là ngày, giờ nào, liệu có cứu được nữa không".

Tài năng này, có lẽ là ông đã học được từ cha mình, rồi tiếp tục phát triển y lý bài bản hơn. 

Cụ Nguyễn Tất Tái không chỉ truyền nghề cho các con trai, mà cho cả con chú ruột là ông Nguyễn Như Lệ. Ông Như Lệ sau này trở thành Phó chủ tịch thường trực Hội Y học cổ truyền Việt Nam.

Ông Nguyễn Như Lệ tiếp tục truyền nghề cho con trai mình là PGS.TS Nguyễn Nhược Kim - người từng được tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch Hội Đông y Việt Nam... 

Cháu ngoại cụ Cử Tái là GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trương Việt Dũng. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia. GS.TS Trương Việt Dũng nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo, Bộ Y tế.