Thiết kế chip là bước quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn, cũng là mảng có giá trị gia tăng cao nhất. Do vậy, để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phát triển, Việt Nam nhận được không ít lời khuyên về việc nên tham gia sâu vào mảng thiết kế.
Theo số liệu từ Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT), Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Trong đó, phân bố nhân lực thiết kế chip tập trung nhiều nhất tại TP.HCM (85%), tiếp đến là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Bình luận về câu chuyện nhân lực ngành bán dẫn, ông Trịnh Khắc Huề - Tổng giám đốc Corvo Việt Nam, người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành bán dẫn cho hay, Việt Nam đang thiếu nhân lực bán dẫn trình độ cao, có chuyên môn về vi mạch bán dẫn.
“Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam hiện vẫn chủ yếu ở giai đoạn gia công, cả về thiết kế và sản xuất. Việt Nam cũng chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư, làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Sự thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên môn cao khiến quá trình phát triển và mở rộng ngành bán dẫn sẽ diễn ra chậm và khó khăn hơn”, ông Huề nói.
Trong bối cảnh nhân sự bán dẫn đang thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp, trường đại học có những cách tiếp cận mới nhằm tìm ra lời giải cho Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt đầu năm của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Tập đoàn FPT đã đề xuất một ý tưởng táo bạo, đó là phát triển kỹ sư thiết kế chip theo hướng vừa học vừa làm.
“Thông thường, các nước khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư phần mềm Việt có thể chuyển đổi sang làm chip trong vòng 3 tháng, sau đó chia nhỏ việc để vừa học vừa làm”, ông Bình nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, nếu tiếp cận theo cách này, các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam có thể chuyển rất nhanh sang thiết kế chip outsourcing. Qua quá trình đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ có thể tích lũy kinh nghiệm, tiến tới việc tự làm chip.
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Chúng ta có nền tảng toán học tốt, nền tảng giáo dục phổ thông tốt. Các bạn trẻ lại quan tâm nhiều tới các môn về kỹ thuật. Lợi thế thứ 3 là Việt Nam vẫn đang nằm trong giai đoạn vàng về dân số trẻ. Đây là tiền đề để phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn”, ông Tú nói.
Để phát triển nhân lực bán dẫn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai cả 2 loại hình - đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Với chương trình dài hạn, sinh viên sẽ được đào tạo từ đầu, mất khoảng 4-5 năm để rèn luyện tư duy và có những kiến thức căn bản thông qua chương trình đào tạo đại học.
Bên cạnh đó, Viện CNTT cũng đang triển khai mô hình đào tạo 3-6 tháng, gọi là chương trình “UpSkill” (nâng cấp kỹ năng) về thiết kế vi mạch. Chương trình này đã triển khai từ năm nay với khóa đào tạo tại Đà Nẵng.
GS.TS Trần Xuân Tú cho rằng, với những người có nền tảng tư duy, kiến thức phần cứng và kỹ năng lập trình tốt, việc họ tham gia vào một công việc khác sau khi được đào tạo từ 3-6 tháng là hoàn toàn khả thi. Tất nhiên, điều này phải được kết hợp cùng một chương trình đào tạo tốt, cộng với đội ngũ các nhà khoa học, thầy cô hướng dẫn chất lượng.
“Chúng ta cũng không quá lạc quan rằng người được đào tạo UpSkill chỉ 3-6 tháng là có thể làm được tất cả mọi thứ bởi việc thiết kế vi mạch cũng cần có kinh nghiệm”, Viện trưởng Viện CNTT nói.
GS.TS Trần Xuân Tú lý giải thêm, thiết kế vi mạch là lĩnh vực đòi hỏi sự kinh nghiệm. Khi tuyển dụng kỹ sư, doanh nghiệp thường yêu cầu ứng viên phải có từ 1-3 năm kinh nghiệm, thậm chí hỏi rõ họ đã từng triển khai bao nhiêu dự án. Những thông tin này là điều kiện tham khảo để biết liệu ứng viên đó có đủ khả năng đi từ công đoạn đầu đến cuối của quá trình thiết kế chip hay không.
Ở góc độ một người có thâm niên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, Viện trưởng Viện CNTT cho rằng, với những người có ngành học gần, các kỹ sư có thể đào tạo nhanh, “UpSkill” từ 3-6 tháng là đã có thể tham gia một số công đoạn trong thiết kế vi mạch.