Tạo nền tảng nhân lực đảm bảo an toàn thông tin quốc gia
Cục An toàn thông tin - Bô Thông tin và Truyền thông cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Đề án 99 đã đào tạo được một lực lượng nhân lực làm về ATANM cho cơ quan, tổ chức nhà nước. Xây dựng được một số cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin, tạo nền tảng nhân lực đảm bảo an toàn thông tin quốc gia.
Tuy nhiên, việc đào tạo, phát triển được nhân lực đảm bảo ATANM đòi hỏi phải là một quá trình liên tục, có hệ thống, lộ trình.
Nhân lực đảm bảo ATANM đòi hỏi phải là một quá trình liên tục, có hệ thống, lộ trình. Ảnh minh họa |
Trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng giai đoạn 2021 – 2025”, Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, Đội ngũ nhân lực làm về ATANM tại Bộ, Ngành, Địa phương vẫn cần được đào tạo sâu hơn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; các cơ sở đào tạo trọng điểm cần được đầu tư mạnh hơn để đủ năng lực đào tạo nhân lực cho ngành ATANM.
Tại Chỉ thị 14 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TTTT nhiệm vụ chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng” giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, tại nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, cũng yêu cầu trong an toàn thông tin mạng cần làm chủ công nghệ và mã nguồn hệ thống.
Điều đó có nghĩa, yêu cầu công việc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin mạng, đặc biệt cho công tác chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước không thể dựa hoàn toàn vào tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài, mà cần có đơn vị kỹ thuật mạnh của Nhà nước đủ năng lực để tổ chức triển khai và điều hành, phối hợp các bên liên quan để ngăn chặn, xử lý các sự cố nghiêm trọng.
Bắt kịp xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0
Hiện nay đất nước ta đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Các công nghệ được đánh giá sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thành quả trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo....
Tuy nhiên CMCN 4.0 chỉ có thể đạt kết quả tốt, bền vững khi công tác đảm bảo ATANM hiệu quả. Điều này buộc lực lượng đảm bảo ATANM cần phải được tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bởi thế, lực lượng ATANM cần được nâng cấp, mở rộng nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ đầy đủ, tinh nhuệ, khả năng phản ứng nhanh để có thể đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, bắt kịp và dẫn dắt cuộc CMCN 4.0.
Một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của Đảng và Nhà nước là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ 5G. Vì vậy, theo lý giải của Bộ Thông Tin và Truyền thông, Lực lượng ATANM cần được đào tạo, tăng cường để bảo vệ hiệu quả các hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc kéo dài thực hiện Chương trình sau năm 2020 là hết sức cần thiết. |
Vậy nhưng hiện nay nhân lực làm về ATANM trong cơ quan nhà nước vẫn còn mỏng về cả số lượng và chất lượng. Cán bộ thực sự đủ năng lực kỹ thuật để chủ động bảo vệ được hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức mình vẫn còn rất hạn chế, cần được đào tạo nhiều hơn, chuyên sâu hơn.
Hơn nữa, thực tế hiện nay ngày càng nhiều hệ thống thông tin, đặc biệt là khi Chính phủ điện tử được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì số lượng cán bộ làm công tác đảm bảo ATANM trong cơ quan nhà nước là chưa đủ, cần phải được bổ sung để đảm bảo ATANM.
Với những lý do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc kéo dài thực hiện Chương trình sau năm 2020 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu yêu cầu đảm bảo ATANM trong tình hình mới.
Bình Minh