- Lãnh đạo các trường kinh tế "đúc kết" việc nhiều trường ĐH ồ ạt chạy theo ngành "nóng", chi phí rẻ nên cho ra lò sản phẩm kém chất lượng...là lý do chính sinh viên ra trường thất nghiệp.

{keywords}

GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân (đứng) chủ trì hội thảo " quản lý đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ". (Ảnh: Tuấn Anh)

GS-TS Phạm Quang Trung, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, để nhận diện cơ hội và thách thức về đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ hiện nay của các trường ĐH là sản phẩm đào tạo ra - đó là những cử nhân, bác sĩ, cử nhân kinh tế...Vấn đề nóng là bao nhiêu cử nhân ra trường có việc làm và bao nhiêu thất nghiệp?

Ông Trung dẫn thống kê của Viện Khoa học và Xã hội công bố tháng 7/2015: Số lao động trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp tăng từ 162.000 lên gần 178.000 người. Trong đó, lao động tốt nghiệp CĐ thất nghiệp từ 79.000 người lên hơn 100.000 người; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000 người...

"Do đó, áp lực quay ngược lại các lò đào tạo cũng tăng. Và dự báo, năm 2016 tỷ lệ thất nghiệp sẽ con tăng lên nhiều" - ông Trung nhìn nhận.

Coi ĐH như một doanh nghiệp

Đứng trước áp lực việc làm và sự thay đổi lớp trong nhu cầu xã hội, ông Trung cho rằng, trong quản lý cần phải có thay đổi lớn về mặt tư duy - coi ĐH như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm liên quan đến chất xám đáp ứng nhu cầu xã hội - nhưng không phải cho không mà có nguồn thu nhất định.

Giải pháp được ông Trung đề xuất, cần phải chuyển dịch cơ cấu đào tạo. Bởi, một số ngành hót như Tài chính Ngân hàng...đã bão hòa vì nhiều trường ĐH đổ xô đào tạo. Hoặc, cách đây 10 năm nguồn sống của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chủ yếu từ nguồn đào tạo tại chức đem lại - chiếm trên 60% nguồn thu của trường. Nhưng nay khác, chỉ tiêu tuyển sinh hệ này đã giảm đáng kể (trước tuyển từ 6.000 đến 10.000 chỉ tiêu) - nay tuyển chật vật mới được 1.000...

"Từ nghiên cứu thực tế nhà trường đã chuyển sang đào tạo các chương trình chất lượng cao - thu học phí cao hướng đến 3 mục đích: Tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế. Nâng chất lượng đào tạo và tăng nguồn thu" - ông Trung cho biết. Từ việc chuyển dịch cơ cấu đào tạo, nguồn thu từ các chương trình tiên tiến, chất lượng cao...đã đem về cho trường nguồn thu 75 tỷ đồng/ năm.

"Tuy nhiên, việc chuyển dịch cũng khiến trường gặp không ít khó khăn: Giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh còn hạn chế. Dù con số lên đến 200 người, nhưng giảng viên có thể đứng lớp giảng dạy tốt bằng tiếng Anh chỉ được vài chuc người" - ông Trung nêu thực tế.

Thực tế này cũng là vấn đề khó khăn của các Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Ngoại thương...

Một số khó khăn khác ông Trung liệt kê trong thực hiện tự chủ cũng nhận được "đồng thuận" của nhiều ĐH tham dự hội thảo như: Còn sức ì trong tư duy khi xây dựng chương trình đào tạo. Một bộ phận sinh viên chưa tự giác học cho mình mà chủ yếu học vì sức ép thầy cô - học để thi....

"Giáo trình học liệu mới đáp ứng đủ về số lượng, các bộ môn đều có giáo trình - nhưng vẫn tồn tại một số giáo trình cũ, chưa cập nhật" - ông Trung nêu bất cập. Hiện, ở nhiều trường ĐH đang rất thiếu sách bài tập, sách hướng dẫn, và sách chuyên khảo.

Đào tạo rẻ - chất lượng cao là phi thực tế?

Đó là ý kiến của hầu hết các trường ĐH tham dự hội thảo.

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên - Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nêu tâm tư: Là trường ĐH vùng nên dù muốn thực hiện tự chủ từ năm 2014 - nhưng cũng lo sinh viên không chịu được "nhiệt" vì một số nguồn thu sẽ tăng. Tuy nhiên, để nâng chất lượng đào tạo nhà trường đã triển khai thí điểm đào tạo chất lượng cao ở một số chuyên ngành - một mặt để thăm dò tâm lý sinh viên và gia đình có chấp nhận mức học phí cao. Thực tế, nhà trường nhận được phải hồi rất tích cực nên theo lộ trình 2017 nhà trường sẽ tự chủ tài chính.

{keywords}
Ảnh: Tuấn Anh

Đồng quan điểm, ông Trung cho biết, ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã có chương trình đào tạo tổng chi phí sinh viên lấy được bằng là 1,8 tỷ đồng cho 4 năm đào tạo (2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở Mỹ). Và thực tế, rất nhiều gia đình ở Hà Nội sẵn sàng đầu tư cho con học chương trình này.

"Cho nên, muốn học chất lượng cao thì học phí phải cao. Còn nếu cứ hô hào chi phí rẻ mà chất lượng cao là phi thực tế"- Ông Trung đúc kết.

Bộ Giáo dục nên quản đầu ra

Vẫn theo ông Trung, ý kiến của nhiều nhà quản lý giáo dục đã đề cập thực tế: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) dành quá nhiều thời gian cho công tác tuyển sinh mà buông lỏng quản lý chất lượng. Ông Trung dự tính, 80% công lực của Cục dường như dành cho hết cho tuyển sinh. Vấn đề tuyển sinh cũng quan trọng nhưng quan trong hơn là 4 năm đào tạo - chất lượng sản phẩm có được thị trường đón nhận hay không thì bị buông lỏng?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiến, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing nêu quan điểm, là 1 trong 8 trường được Chính phủ giao tự chủ từ tháng 5/2015 - tuy nhiên trong quá trình tự chủ vẫn còn nhiều vấn đề không như mong muốn.

Ông Hiến dẫn dụ, về nhân sự bộ máy trong quyết định trường được chủ động nhưng khi xây dựng đề án tuyển dụng thì vẫn phải được Bộ phê duyệt về biên chế. Việc tuyển giảng viên đáp ứng quy mô đào tạo của nhà trường vẫn phải tuân thủ một số quy định về nhân sự. Hay tiền thu học phí của sinh viên được gửi ngân hàng lấy lãi tái tạo đào tạo nhưng vẫn phải đóng thuế...

Do đó, ông Hiến đề nghị, với những hội thảo như này cần có đại diện bộ chủ quản (Bộ Tài chính) để nghe những đề xuất trường đưa ra để có tham mưu phù hợp.

Từ kinh nghiệp quản lý, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Văn Nam đúc rút: Với những hội thảo như này cần có sự có mặt của các Thứ trưởng để có phân định cụ thể trường làm gì và bộ làm gì tránh chồng chéo.

Còn ông Khôi Nguyên thì đề xuất, các trường cần tạo các chương trình trao đổi sinh viên, thừa nhận tín chỉ của nhau để tạo cơ hội học tập cho sinh viên....

  • Nguyễn Hiền

XEM THÊM: