Tiềm năng cho trái phiếu xanh

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn thiếu các sản phẩm mới có tiềm năng phát triển cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm gắn liền với xu thế chung của nền kinh tế như trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu liên kết phát triển bền vững. 

dien-gi243-1.jpg
Năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ hút nguồn vốn trái phiếu xanh. Ảnh: Lương Bằng

Theo ông Thuân, tài chính xanh, bao gồm trái phiếu xanh, đang trở thành một xu hướng lớn trên toàn cầu cũng như ở khu vực. Với cam kết trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nguồn vốn trong và ngoài nước vào các dự án xanh.

Do đó, thị trường vốn Việt Nam cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng kênh vốn xanh này. Một trong những bước đầu tiên là lựa chọn các tiêu chuẩn xanh phù hợp để áp dụng như tiêu chuẩn của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu quốc tế (CBI), Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), ASEAN+3 hay tiêu chuẩn phân loại dự án xanh trong nước đang được kỳ vọng ban hành trong năm nay.

Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam còn đang rất khiêm tốn và hiện mới chỉ có 1 lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành trong nước của Công ty Cổ phần Tài chính Điện lực Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu (GGGI) cũng đang có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng khung phát triển dự án xanh và chuẩn bị cho các đợt phát hành trái phiếu xanh.

Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tận dụng các cơ hội này để chuẩn bị cho kế hoạch tài trợ dự án thông qua các công cụ tài chính xanh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

"Nhìn chung, tài chính xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng các mục tiêu phát triển xanh. Vấn đề ở đây là làm thế nào để các doanh nghiệp phát hành có động lực tham gia thị trường này", ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh.

Động lực từ kinh tế xanh

Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam sẽ đóng góp cho tăng trưởng Việt Nam giai đoạn tới.

Kinh tế xanh là một nền kinh tế dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã xác định mục tiêu, giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của tăng trưởng xanh. Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Mặt khác, theo ông Lực, tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế.

Mục tiêu là đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 (khoảng 1,95% GDP) lên 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (xấp xỉ 10% GDP), trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8–2% GDP và đến năm 2030 là 3,3–3,5% GDP. Tức là, mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050. 

Vì thế, ông Lực cho rằng cần sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050,... trong đó cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế động lực và chế tài cụ thể nhằm thúc đẩy xanh hóa, tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chung tay xanh hóa, chống biến đổi khí hậu...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Từ 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong 3 năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt trên 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Đô Lương