1. Đất nước nào hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới?

  • Trung Quốc
  • Indonesia
  • Philippines
  • Ấn Độ
Chính xác

Theo Chỉ số rủi ro thế giới 2023, Philippines là quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, sau đó là Indonesia và Ấn Độ. Đất nước này có vị trí địa lý nằm trong vành đai lửa và vành đai bão Thái Bình Dương với 7.109 hòn đảo, đường bờ biển dễ bị ảnh hưởng bởi nước dâng do bão. Trung bình mỗi năm, Phillipines hứng chịu 20 cơn bão, trong đó nhiều cơn bão có cường độ mạnh với sức tàn phá lớn.

Vị trí địa lý và môi trường của Phillippines cũng góp phần làm cho nước này dễ bị ảnh hưởng bởi sóng thần, nước biển dâng, triều cường, sạt lở đất, lũ lụt, lũ quét và hạn hán.

Năm 2022, Philippines cũng đứng đầu danh sách các quốc gia chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất thế giới.

2. Siêu bão nào từng khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở quốc gia này?

  • Siêu bão Noru
  • Siêu bão Haiyan
  • Siêu bão Thelma
  • Siêu bão Megi
Chính xác

Trong quá khứ, Phillipines từng hứng chịu nhiều siêu bão. Đáng chú ý có siêu bão Thelma, làm 5.100 người tử vong vào năm 1991. Tới tháng 11/2013, siêu bão Haiyan (bão Hải Yến) sau khi tiến vào Philippines đã lập kỷ lục mới, khiến hơn 6.300 người chết, hơn 28.600 người bị thương, hơn 1.060 người mất tích.

3. Bão cấp mấy được gọi là siêu bão?

  • Từ cấp 14
  • Từ cấp 15
  • Từ cấp 16
  • Từ cấp 17
Chính xác

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên mới gọi là siêu bão. Cấp 16 tương đương sức gió 184-201 km/h, độ cao sóng trung bình 14m.

4. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) quy định có bao nhiêu cấp bão?

  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
Chính xác

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) chia 17 cấp độ bão với tốc độ gió, sóng biển trung bình và mức độ nguy hại riêng. Từ cấp 12 trở đi, sức phá hoại cực kỳ lớn. Sóng biển cực kỳ mạnh, có thể đánh đắm tàu thuyền có trọng tải lớn. Ở cấp 17, tốc độ gió đạt 56,1 - 61,2 m/s, 202 – 220 km/h.

5. Kích thước của bão càng lớn thì cường độ của bão càng mạnh, đúng hay sai?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, kích thước của bão không tỷ lệ thuận với cường độ của bão và không thể hiện cho cường độ bão. Không phải cơn bão nào có kích thước lớn đều là những cơn bão có cường độ mạnh và có sức tàn phá lớn.

Cơn bão số 6 (bão Xangsane) tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Đà Nẵng, có phạm vi bán kính gió mạnh rất nhỏ. Theo số liệu ghi được, bán kính trên cấp 10 của cơn bão chỉ khoảng 80km nhưng đã gây ra gió mạnh cấp 13 ở thành phố Đà Nẵng. Hay cơn bão Andrew năm 1992 là cơn bão rất mạnh, có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong thế kỷ lại có kích thước tương đối nhỏ.