TQ muốn đưa ra thông điệp rằng, TQ và Mỹ đã có thỏa thuận thì các nước trong khu vực có thể phải ngả theo họ.

>> TQ với tham vọng thế chỗ Mỹ

>> TQ vẫn chưa phải đối thủ của Mỹ

>> TQ đang hưởng lợi từ Mỹ?

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu những phân tích của ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, về mối quan hệ Trung – Mỹ, quan sát từ Hội nghị APEC và những diễn biến nội bộ gần đây của nước Mỹ.

Toan tính chiến lược

Cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ trong khuôn khổ hội nghị APEC được hai bên chuẩn bị kỹ càng cả năm nay. TQ là nước chủ nhà APEC, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh TQ đứng trước cơ hội trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, lãnh đạo TQ có quyền lực mạnh mẽ chưa từng thấy; TQ muốn thể hiện vai trò của mình và thể hiện dấu ấn cá nhân của ông Tập Cận Bình.

Với mối quan hệ Trung – Mỹ, đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Obama tại đất TQ kể từ khi ông Tập lên nắm quyền. Cả TQ và Mỹ đều mong muốn xây dựng mối quan hệ kiểu mới giữa hai nước, muốn có một kênh xử lý quan hệ hai nước, làm sao như TQ  nhấn mạnh là ko để xảy ra xung đột hai bên.

Lý thuyết và thực tiễn trước đây cho rằng, giữa cường quốc đang lên và một cường quốc đã được khẳng định thì chuyện xung đột là ko tránh khỏi. Nhưng hiện tại, TQ cho rằng chuyện này có thể tránh được và nó phụ thuộc vào việc xử lý quan hệ giữa hai nước. Ông Tập Cận Bình muốn thể hiện mình là người lắng nghe, muốn thế giới thấy TQ có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ, có thể đi theo các thỏa thuận quốc tế (ví dụ như việc ký kết với Mỹ thỏa thuận giảm lượng khí thải sau năm 2030).

Trong cuộc gặp thượng đỉnh hai bên, TQ muốn thổi phồng các điểm tương đồng giữa hai bên. Điều này cho thấy Bắc Kinh rất cần một không khí hợp tác thuận lợi với Mỹ. Qua đó TQ muốn đưa ra thông điệp rằng, TQ và Mỹ đã có thỏa thuận thì các nước trong khu vực có thể phải ngả theo họ.

Giữa bối cảnh Obama gặp nhiều khó khăn sau bầu cử giữa kỳ, khi đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, Bắc Kinh muốn tận dụng lợi thế này để thúc đẩy các chính sách.

{keywords}
Ảnh: Washingtontimes

Trong khi đó Mỹ lại nói nhiều tới khác biệt. Thứ nhất, Mỹ cần nhấn mạnh sự khác biệt ở nhiều vấn đề như chiến lược, hàng hải, quan hệ của TQ với láng giềng... Washington khẳng định đây là các điểm mà hai bên chưa có sự tương đồng.

Thứ hai, TQ muốn nhấn mạnh tới việc phân chia ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh tuyên bố “khu vực này đủ rộng, có đủ không gian cho cả Mỹ và TQ”. Nhưng trên thực tế là muốn đẩy Mỹ sang phía đông TBD, còn Trung Quốc nắm giữ Tây TBD. Về đối nội có nhiều cách thức tuyên truyền chống ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Về đối ngoại, TQ nhấn mạnh một “trật tự châu Á cho người châu Á”.

Ngay tại Hội nghị APEC lần này, khi Mỹ ra sức thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Trung Quốc cũng không ngại ngần nỗ lực cho một kế hoạch đối trọng với TPP. Đó là hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) - một khu vực thương mại tự do mới được Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ.

Điều đó khiến Mỹ lo ngại. Mỹ không muốn nêu bật các điểm đồng vì cho là nó có thể góp phần thể hiện rõ mong muốn của TQ trong việc xây dựng trật tự riêng ở khu vực.

Thứ ba là Mỹ lo ngại các nước đồng minh trong khu vực trước mối quan hệ Trung - Mỹ. Họ muốn trấn an các nước về cam kết sẽ không thỏa hiệp các lợi ích của Mỹ tại đây. Đây là các lý giải hiện nay trong khu vực.

Đó cũng là lý do trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, Obama đã nhấn mạnh TQ cần là một người chơi có trách nhiệm trong khu vực cũng như toàn cầu.

Nghĩa là, trong quan hệ Trung-Mỹ nhìn từ quan điểm của Washington, các điểm tương đồng nếu có lợi vẫn thúc đẩy, chẳng hạn như kinh tế. Còn khi khác biệt về lợi ích thì phải vẫn đấu tranh kiên quyết và không nhân nhượng.

Với TQ, tổng thống Mỹ sẽ “yếu” hay “mạnh”?

Về chính sách đối ngoại, có thể Tổng thống Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn. Cho tới nay Obama chưa để lại di sản gì, và một trong những điểm ông bị công kích nhiều là chính sách đối ngoại. Gần đây, Obama đã ra quyết định triển khai thêm 1.500 binh sĩ Mỹ tại Iraq (gấp đôi số quân hiện có) để giúp Iraq chống IS. Trước đây, ông tuyên bố không triển khai thêm quân và giờ thì quyết định ngược lại.

Trong đối sách với Nga hay TQ, Obama cũng bị chê là mềm yếu. Khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện, họ sẽ công kích điều này nhiều hơn. Và để chứng tỏ, ông Obama sẽ có những bước đi quyết đoán, cứng rắn hơn.

Chiến lược xoay trục về châu Á cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Bởi đảng Cộng hòa chủ trương tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với các nguy cơ đe dọa Mỹ ở khắp nơi. Trong chủ trương tăng ngân sách sẽ có việc gia tăng hiện diện, tăng sức mạnh quân sự ở khu vực.

Đồng sàng dị mộng

Trong khi Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà thì TQ lại tỏ ra hào hứng với việc thiết lập "quan hệ cường quốc kiểu mới".  

Quan hệ kiểu mới mà TQ diễn giải là mối quan hệ không đối đầu, có thể hợp tác được; là quan hệ khu vực và toàn cầu do Trung - Mỹ dẫn dắt. TQ gọi là quan hệ cường quốc kiểm mới hay G2 quyết định mọi vấn đề.

Mỹ lại hiểu khác. Washington nhất trí hai nước cũng có ảnh hưởng, nhưng thế giới sẽ còn nhiều nước khác có ảnh hưởng, vai trò với các vấn đề quốc tế. Theo Mỹ, quan hệ kiểu mới cũng phải tính tới lợi ích của đồng minh, của các nước chứ ko chỉ đơn thuần G2. Trong mối quan hệ ấy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm giải quyết vấn đề chung toàn cầu.

Rõ ràng, không nên phóng đại một cách quá mức quan hệ kiểu mới vừa thiết lập giữa TQ và Mỹ. Mặc dù hai bên đồng ý về sự cần thiết phải thiết lập một khuôn khổ quan hệ mới, nhưng việc TQ dùng thuật ngữ "quan hệ cường quốc kiểu mới", còn Mỹ lại nói về "mô thức hợp tác kiểu mới" cho thấy sự  "đồng sàng dị mộng " giữa hai nước này, cũng như việc hai bên hầu như chưa nhất trí được về nội hàm quan hệ kiểu mới và họ sẽ phải làm việc nhiều hơn mới ra được các chi tiết cụ thể.

Có hai điểm đáng chú ý. Một là, TQ chỉ đặt vấn đề xây dựng quan hệ "cường quốc kiểu mới" với Mỹ, chứ không phải với bất kỳ nước lớn nào khác như Ấn Độ, Nga hay Nhật Bản. Bằng cách này, TQ tự xếp mình ngang hàng với Mỹ, và cùng với Mỹ xây dựng một dạng "trật tự mini" để xử lý quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai là, cách giải thích về quan hệ đối tác kiểu mới cũng hoàn toàn khác nhau.

Về lâu dài, các cạnh tranh này giữa TQ và Mỹ sẽ ít có chiều hướng giảm mà sẽ ngày càng gia tăng, do sức mạnh giữa một cường quốc đang trỗi dậy là TQ và một cường quốc đã được thiết lập là Mỹ ngày càng thu hẹp. Xét trong bối cảnh đó, thỏa thuận giữa hai nước về việc xây dựng "khuôn khổ quan hệ mới" thực chất chỉ là tạm "đông cứng" các bất đồng đang âm ỉ giữa họ với nhau, chứ không phải và không thể giải quyết được chúng một cách căn bản và lâu dài.

Minh Tâm (ghi)