Cái bắt tay thiếu quyết đoán sẽ gây ấn tượng không tốt trong buổi phỏng vấn xin việc. Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy đó có thể là dấu hiệu ai đó có nguy cơ qua đời sớm.

Các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) đã liên kết khả năng cầm nắm kém với nguy cơ mắc các bệnh như ung thư hoặc bệnh tim cao hơn. Họ nhận thấy những người cao tuổi cầm nắm mọi thứ không chắc có DNA (vật liệu di truyền) già hơn về mặt sinh học và nhiều dấu ấn sinh học có hại hơn so với những người cùng lứa tuổi.

Khả năng cầm nắm của bàn tay liên quan tới tuổi thọ. Ảnh minh họa: Ladders

Giới chuyên môn từ lâu đã biết có mối liên hệ giữa khả năng cầm nắm giảm dần khi bạn già đi và tuổi thọ ngắn hơn. Nhưng họ vẫn không chắc tại sao hai điều này lại có mối liên hệ với nhau. Đại học Michigan đưa ra lý do là quá trình methyl hóa DNA, làm thay đổi chức năng DNA. 

Nhóm tác giả viết: “Có rất nhiều bằng chứng ghi nhận tình trạng yếu cơ, được xác định dựa trên lực nắm tay thấp, với sức khỏe suy giảm liên quan đến lão hóa”.

Nhiều bệnh trở nên phổ biến hơn khi một người già đi. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng có sự khác biệt giữa tuổi “thực” của một người và tuổi “sức khỏe” của họ. Một số người già đi nhưng khỏe mạnh hơn những người khác cùng tuổi. Tuổi thọ có thể thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào di truyền và lựa chọn lối sống như chế độ ăn uống, tập thể dục.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã phát triển những phương pháp xác định mức độ gần hay xa của cái chết. Một trong những cách làm là đo độ bám. Chuyên gia của Đại học Campbell (Mỹ) giải thích, lực cầm nắm có liên quan đến mật độ xương, nguy cơ gãy xương, suy giảm nhận thức, bệnh tiểu đường và chất lượng cuộc sống nói chung.

Đại học Michigan hy vọng tìm ra mối liên hệ giữa lực nắm tay và sức khỏe tổng thể. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cachexia, Sarcopenia and Muscle, các tác giả đã thu thập dữ liệu từ 1.300 người (bao gồm cả nam và nữ) khoảng 70 tuổi trong hơn 10 năm.

Mỗi người tham gia sử dụng lực kế lò xo để kiểm tra lực tay của họ hai năm một lần. Họ sẽ nắm lấy thiết bị và siết mạnh nhất có thể hai lần bằng mỗi tay. Kết quả cao nhất sẽ được ghi lại. Họ cũng được thu thập dữ liệu về mức độ methyl hóa DNA dựa trên mẫu máu. 

Methyl hóa DNA là quá trình thêm nhóm methyl vào phân tử DNA, làm thay đổi chức năng của DNA, điển hình là ngăn cản quá trình phiên mã. Gia tăng quá trình methyl hóa DNA có liên quan đến ung thư, bệnh tim và các vấn đề về hệ thần kinh.

Đại học Michigan đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa lực nắm tay của một người và tuổi sinh học của họ. Theo đó, những người có lực nắm suy giảm cũng có nhiều khả năng mắc bệnh mạn tính nghiêm trọng hoặc tử vong trong thời gian nghiên cứu.