Ông Kurt Campbell trong một buổi trao đổi với báo chí tại Tokyo (Nhật Bản) năm 2013. Ảnh: Reuters |
Chuyển hướng từ Trung Đông sang châu Á
Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã thay đổi nhân sự tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ bằng việc “giảm lượng” tại bộ phận phụ trách Trung Đông và bổ sung người cho đơn vị chịu trách nhiệm khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Politico cho rằng, động thái này là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden sẽ ưu tiên châu Á trong chính sách đối ngoại.
Với thay đổi nhân sự này, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - ông Kurt Campbell sẽ có thêm nhiều “đất diễn”. Theo hãng tin DW (Đức), ông Kurt Campbell là người đề xướng chính sách “xoay trục sang châu Á” dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Nhưng thay đổi hiện nay tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tạo khác biệt lớn so với thời kỳ cựu Tổng thống Obama. Khi đó, bộ phận phụ trách Trung Đông “đông đảo hơn”, trong khi bộ phận phụ trách châu Á lại bao gồm nhóm nhân lực chưa có thâm niên. Trong nhiệm kỳ hai của ông Obama, Mỹ phải đối mặt với nhiều vấn đề ở Trung Đông, từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho đến thỏa thuận hạt nhân Iran, biến động tại Libya và Syria dẫn đến khủng hoảng di cư châu Âu...
Chuyên gia Karim Sadjadpour tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) phân tích: “Chuyển nguồn lực chính sách từ Trung Đông tới châu Á phản ánh thực trạng kinh tế Mỹ. Chính sách châu Á liên quan trực tiếp đến người nông dân, doanh nghiệp và các công ty công nghệ Mỹ, điều không có nhiều đối với Trung Đông, đặc biệt cần chú ý tới tài nguyên năng lượng nội địa của Mỹ. Sau hai thập niên nhiều tổn thất tại Iraq và Afghanistan, lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ sẽ không ủng hộ thêm nhiều động thái ở Trung Đông”.
Một ngày sau khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã điện đàm với người đồng cấp Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, và sau đó là Hàn Quốc. Những cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Biden là với lãnh đạo Canada, Mexico, Anh, tiếp đó là Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Sullivan cũng trao đổi với những người đồng cấp Afghanistan và Israel, nhưng Tổng thống Biden chưa điện đàm với lãnh đạo hai quốc gia này.
Năm 2011, ông Obama từng công bố đã chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia “ưu tiên sự hiện diện và sứ mệnh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương”. Các chuyên gia đánh giá khi đó ông Obama gửi đi tín hiệu rằng, Mỹ cần cân đối lại sự tập trung vốn dành cho châu Âu và Trung Đông trong khi bỏ quên việc đối trọng với Trung Quốc đang tăng sức mạnh nhanh chóng.
Yếu tố Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong một sự kiện tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2011. Ảnh: Reuters |
Các nhà phân tích cho rằng, việc bổ nhiệm ông Campbell cho thấy dấu hiệu Mỹ theo đuổi phương pháp đa phương để đối trọng với Trung Quốc. Trong bài bình luận đăng ngày 12/1 trên tờ Foreign Affairs, ông Campbell và ông Rush Doshi tại Viện Brookings (Mỹ) viết rằng việc hình thành liên minh với đồng minh và đối tác rất quan trọng trong đối đầu với các thách thức từ Trung Quốc với ổn định, trật tự tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Dường như chính quyền ông Biden nhận thấy thách thức an ninh lớn nhất bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc-Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 đã phát biểu: “Bắc Kinh đang thách thức an ninh, thịnh vượng và giá trị của chúng ta theo hướng cần phải có hướng tiếp cận mới từ Mỹ”.
Thay đổi không chỉ nằm trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Các chuyên gia châu Á đã được “cài cắm” tại nhiều cơ quan trong chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm Bộ Quốc phòng. Những cái tên đáng chú ý là cố vấn Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - Ely Ratner, vốn từng là phụ tá của ông Biden. Bên cạnh đó là nhân vật được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của Bộ trưởng Austin - Kelly Magsamen từng là phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về an ninh châu Á-Thái Bình Dương cho đến năm 2017.
Bản thân người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhận biết được chính quyền ông Biden muốn chuyển trọng tập của Lầu Năm Góc tới châu Á. Ông Austin trong buổi tuyên thệ nhậm chức có nhấn mạnh: “Tôi hiểu rằng châu Á phải là trọng tâm trong các nỗ lực từ chúng ta. Trung Quốc là đại diện cho mối đe dọa lớn nhất trước mắt bởi nước này đang đi lên”. Một trong những quyết định đầu tiên của ông Austin trong cương vị mới là bổ nhiệm ba cố vấn đặc biệt về Trung Quốc, dịch Covid-19 và khí hậu.
Tại Bộ Ngoại giao, chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương Mira Rapp-Hooper được đề cử làm cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Vụ hoạch định chính sách. Ông Jeffrey Prescott từng là cố vấn châu Á cho ông Biden nay được đề cử làm Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Trong bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign Policy năm 2020, ông Biden từng viết: “Trung Quốc đại diện cho một thách thức đặc biệt”. Ông bổ sung: “Tôi đã dành nhiều giờ với các lãnh đạo Trung Quốc, do vậy tôi hiểu rằng chúng ta đang đối mặt với điều gì”.
Theo Baotintuc
Tổng thống Mỹ Biden muốn kết thúc nhanh phiên luận tội ông Trump
Lý do ông Joe Biden muốn kết thúc nhanh phiên xử luận tội cựu Tổng thống là vì không muốn ảnh hưởng tới các chương trình nghị sự.
Những khác biệt nổi bật ở Nhà Trắng dưới thời ông Biden
Nhà Trắng mới dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhiều điểm khác xa với thời ông Donald Trump. Đó là sự kỷ luật, đa dạng, giãn cách xã hội và các chú chó cưng xuất hiện trở lại.