- Vụ án xảy ra cách đây 5 năm, cơ quan tố tụng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ. Nhớ lại suốt 1 tuần bị giam lỏng, nữ doanh nhân vẫn chưa quên được cảm giác ớn lạnh.

Ngày 7/10, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “bắt giữ người trái pháp luật” do bị cáo Trần Văn Miên (tự Hải, SN 1968, ngụ Việt Trì, Phú Thọ) thực hiện. Vụ án xảy ra đã lâu nhưng nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Giam lỏng, ép trả nợ

Theo bản án sơ thẩm, Lê Thị Thảo và chị N.T.P.N. quen biết nhau 2008, giữa hai người có nhiều lần vay mượn tiền qua lại để kinh doanh. Đến năm 2010, chị N. đã vay và còn nợ Thảo tổng cộng 4,5 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Sau đó, Thảo nhiều lần đòi nợ nhưng chị N. không có tiền để trả.

Cuối tháng 11/2010, được Thảo gọi điện nhờ vào đòi nợ, Trần Văn Miên từ Phú Thọ vào TP.HCM. Sáng 10/12/2010, Miên hẹn gặp Thảo ở một quán cà phê gần nhà nghỉ. Trong buổi trò chuyện, Thảo cho biết chị N. là bạn làm ăn chung đang nợ tiền rồi cung cấp số điện thoại, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng của người này.

Chiều cùng ngày, khi chị N. được tài xế chở đến một ngân hàng trên đường Lê Duẩn (quận 1) để giao dịch thì Miên xuất hiện, yêu cầu lên xe ô tô Camry của Thảo đang đậu ở phía sau để nói chuyện. Lúc này, Thảo bước ra, yêu cầu chị N. lên xe để nói chuyện.

Sau đó, chiếc xe chở chị N. đến một căn nhà hoang khu vực hồ Trị An để giam giữ, uy hiếp buộc trả tiền. Ba ngày sau, Thảo mới mua quần áo cho chị N. thay. Sau khi bị giam lỏng ở địa điểm trên, Thảo và Miên còn đưa chị N. đến nhiều địa điểm khác.

{keywords}
Bị cáo Miên tại tòa.

Trong một tuần bị giam giữ, Miên yêu cầu chị N phải gọi điện về gia đình lấy tiền trả cho Thảo nếu không sẽ không được yên thân. Sợ hãi, chị N. đã gọi điện vay mượn người thân, bạn bè để trả cho Thảo 3,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Miên cũng hăm dọa, buộc chị N. chuyển vào tài khoản của mình 800 triệu đồng để được “đối xử tốt”. Sau khi cưỡng đoạt được chị N. số tiền 4,3 tỷ đồng, ngày 17/12/2010, Miên cùng đồng bọn đã thả chị N.

Lọt người, lọt tội?

Với hành vi trên, Miên bị TAND TP.HCM tuyên phạt 1 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, 12 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 13 năm tù. Sau bản án trên, Miên kháng cáo, cho rằng bản thân không phạm tội cưỡng đoạt tài sản, việc bắt giữ chị N. là bị cáo làm theo lời của Thảo. Bị hại N. cũng kháng cáo đề nghị tuyên hủy toàn bộ bản án do đã bỏ lọt người, lọt tội.

Theo bị hại N., người chủ mưu đứng ra tổ chức bắt giữ chị là Lê Thị Thảo, Miên chỉ giữ vai trò giúp sức. Theo bị hại, Thảo chủ mưu việc bắt giữ chị để ép chị trả nợ. Trong một tuần bị giam giữ, bị hại đã bị khống chế, ép vay tiền trả nợ. Minh chứng cho điều này, bị hại N. đã chuyển 1,5 tỷ đồng trả nợ cho Thảo thông qua tài khoản của em gái Thảo. Ngoài ra, khi CQĐT tổ chức nhận dạng trực tiếp, người tài xế của chị N. đã xác định Lê Thị Thảo chính là người đưa chị N. lên xe ô tô.

Trước đó, cáo trạng của VKSND Tối cao cũng nêu rằng vụ án còn “một số đối tượng liên quan” và “cơ quan điều tra sẽ tách ra để điều tra, xử lý ở một vụ án khác”. Theo bị hại và luật sư bảo vệ bị hại cho rằng chính cáo trạng của VKS cũng đã ghi nhận còn “một số đối tượng liên quan” chưa bị xử lý, việc tách vụ án trên là vi phạm tố tụng.

Trước đây, TAND TP.HCM đã nhận thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã trả hồ sơ nhiều lần yêu cầu điều tra bổ sung. Tại bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu rằng quá trình điều tra Lê Thị Thảo không thừa nhận quen biết Miên, không chủ mưu tham gia bắt giữ nữ doanh nhân để đòi nợ.

Cơ quan điều tra đã xác minh, rút list số điện thoại của Thảo và các đối tượng mà bị hại N. tố cáo nhưng do thời gian quá lâu các số liệu trên trung tâm viễn thông tự xóa nên không thể thu thập được. Từ đó, Cơ quan CSĐT xét thấy chỉ có thể xác định Lê Thị Thảo có dấu hiệu tham gia việc bắt, giữ và cưỡng đoạt tài sản đối với chị N. nhưng không đủ căn cứ để xử lý.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy có nhiều căn cứ để xác định có nhiều người tham gia vụ án. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Theo cấp phúc thẩm, Lê Thị Thảo rõ ràng có liên quan đến số tiền 3,5 tỷ đồng bà N. trả trong thời gian bị giam giữ, việc sơ thẩm đưa Lê Thị Thảo vào tham gia phiên tòa với vai trò nhân chứng, việc chỉ truy tố Miên với số tiền cưỡng đoạt 800 triệu đồng là không đúng bản chất vụ việc. Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu.

Trao đổi sau phiên tòa, bị hại N. bức xúc: Nếu Thảo không tham gia bắt giữ tôi, không quen biết Miên thì tại sao trong thời gian bị Miên giam giữ, tôi lại có thể nói người thân chuyển tiền trả nợ cho Thảo?

Nhớ lại những ngày bị giam lỏng, bị hại chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên được những ngày bị giam giữ ở ngôi nhà hoang ấy, không điện, không nước, không nhà vệ sinh, mấy ngày liền không có quần áo để thay, đêm đến hoang vắng và lạnh lẽo. Lúc ấy, tôi lo cho tính mạng của mình nên phải làm theo những gì họ yêu cầu. Vậy mà đến nay vụ án vẫn chưa kết thúc!”.

M.Phượng