UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai giai đoạn 2021-2030.
Nguồn vốn đầu tư đề án hơn 991 tỷ đồng. Trong đó, 20 tỷ đồng là vốn ngân sách và 971 tỷ đồng còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư.
Đề án được thực hiện trên tổng diện tích tự nhiên 100.572ha do Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai quản lý. Trong đó, có 60.000ha rừng tự nhiên, 6.000ha rừng trồng, 2.071ha diện tích chưa có rừng và 32.519 ha diện tích hồ Trị An.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai có hệ sinh thái, sinh học rất đa dạng với 1.558 loài thực vật, 2.073 loài động vật, 292 loài chim cư trú, 37 loài lưỡng cư, 116 loài cá, 1.470 loài côn trùng...
Bên cạnh rừng tự nhiên, rừng trồng và rừng cây đặc sản, cảnh quan thiên nhiên Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai còn có các hồ nước, nổi bật là hồ Trị An, hồ Bà Hào. Ngoài ra, còn có các di tích lịch sử, công viên đá, thác nước, rừng tre nứa hỗn giao gỗ.
Về các điểm du lịch, theo đề án, sẽ quy hoạch 51 điểm du lịch để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ có khả năng liên kết theo tuyến, theo chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái.
Trong đó, 11 điểm du lịch ở khu hồ Bà Hào; 17 điểm du lịch tại khu ven hồ Trị An; 3 điểm tại khu ven sông Bé; 7 điểm tại các khu ngoài quy hoạch 3 loại rừng và 13 điểm tại các khu vực riêng biệt khác.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, mục tiêu của đề án nói trên là khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.
Một số sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai như: Du lịch sinh thái gắn liền tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hoá gắn liền di tích lịch sử cách mạng và văn hoá cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch vui chơi, giải trí tổng hợp... với 37 tuyến du lịch.
Về kinh tế, UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến đến năm 2025, lượng khách du lịch đến khu bảo tồn đạt 50.000 lượt/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 15 tỷ đồng. Đến năm 2030, dự kiến đón 120.000 lượt khách/năm, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng.